Kẻ yếm thế, người kém cỏi và nghệ thuật đánh bại những gã khổng lồ
Độc giả Việt Nam chắc hẳn đã quen thuộc và yêu thích các cuốn sách của Michael Gladwell trước đây: Điểm bùng phát (2000) viết về những thời khắc quan trọng và bùng nổ của một ý tưởng hoặc một sản phẩm; Trong chớp mắt (2005) với những khoảnh khắc xuất thần và trực giác của con người; Những kẻ xuất chúng nói về thành công và khả năng thiên tài của con người thông qua rèn luyện; Chú chó nhìn thấy gì tập hợp các bài viết dưới góc nhìn khác lạ, dí dỏm, độc đáo của ông và tác phẩm mới nhất của ông, David chống lại Goliath, mà các bạn đang cầm trên tay tái hiện lại cuộc chiến đấu chống lại các gã khổng lồ của những con người nhỏ bé trong thực tế cuộc sống, trên thương trường và cả lĩnh vực chính trị xã hội, v.v…
Cuốn sách kể về những thuận lợi và bất lợi của mỗi kiểu người trong xã hội và đưa ra kết luận rằng những điểm bất lợi dưới con mắt của người này chưa chắc đã là điểm bất lợi trong lăng kính của người kia. Thông qua cuốn sách, tác giả cho thấy chúng ta đã hiểu sai cuộc chiến giữa kẻ yếu và kẻ mạnh thế nào, cách đánh giá thấp thuận lợi của những điều được cho là bất lợi ra sao.
Malcolm Glawell đã bắt đầu cuốn sách bằng cách kể lại câu chuyện về cuộc chiến giữa chàng chăn cừu bé nhỏ David và gã khổng lồ Goliath. Câu chuyện được đẩy lên cao trào khi tác giả mô tả Goliath là một chiến binh thiện chiến được trang bị những vũ khí sắc bén trong khi chàng chăn cừu chỉ mang bên mình chiếc ná thun và một cây gậy. Thế nhưng, kết quả thật khiến tất cả các độc giả phải bất ngờ, David đã giành chiến thắng vẻ vang trước đối thủ đáng gờm.
Trong nhiều lần nói chuyện và giảng bài, tôi có nói quan điểm của mình rằng: Điểm mạnh nhất của một người cũng sẽ là điểm yếu nhất của họ. Và thật vui khi Malcolm Gladwell cũng khẳng định rằng điểm mạnh của kẻ thắng thế thực chất lại là điểm yếu nhất của họ nếu chúng ta biết cách quan sát từ góc độ đúng đắn nhất. Ông đã dẫn chứng ra khá nhiều câu chuyện về những người gặp hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống (tuổi thơ bất hạnh, khuyết tật…) nhưng họ đã biết cách biến những bất lợi đó trở thành thuận lợi cho mình. Chúng minh họa cho lời châm ngôn sáo mòn và sai lầm rằng “Những gì không giết chết bạn thì sẽ khiến bạn mạnh mẽ hơn.”
Với cách tiếp cận vấn đề mới lạ và hấp dẫn, gợi suy nghĩ cho chúng ta, khích lệ chúng ta, cuốn sách sẽ dẫn lối bạn đọc đến với những quan điểm mới mẻ về những bất lợi trong cuộc sống, thúc đẩy những người tự ti, những người phải chịu thiệt thòi trong cuộc sống, và cũng khuyến cáo những ai quá tự tin. Ông phân tích từng câu chuyện mang tính cá nhân để rồi từ đó đưa ra bài học cho chúng ta.
Điều này cũng phần nào lý giải cho sự thành công của đất nước Việt Nam nhỏ bé trước quân đội hùng mạnh của Mỹ, hay nguyên nhân đất nước Afghanistan và Iraq bị thuần phục. Tôi cũng nhận thấy nhiều ví dụ thực tiễn sống động, từ câu chuyện Viettel cạnh tranh với “những người khổng lồ” Mobifone và Vinaphone hơn chục năm trước đây khi tấn công vào thị trường nông thôn bằng cước giá rẻ cho mọi người… Hay nhiều câu chuyện về những doanh nhân vất vả trong tuổi niên thiếu, chịu thiệt thòi vất vả hơn những người khác những đã vươn lên thành công. Chính bất lợi của họ khiến họ kiên cường hơn, khiến họ phải tìm ra con đường sống sót và sinh tồn cho mình, để rồi giành chiến thắng theo cách ít ngờ đến nhất.
Bằng ngòi bút thiên tài của mình, Malcolm Gladwell đã mang “một thế giới đáng kinh ngạc của tâm lý học và xã hội học” đến với một lượng lớn độc giả.
Tôi tin rằng, đây là một cuốn sách đáng đọc, đáng được chờ đợi và dù đôi chỗ có phần ngụy biện nhưng hẳn nó sẽ mang lại cho các bạn những gợi ý thú vị và khích lệ các bạn tìm ra cách thức để vươn lên thành công.