Osho đã bàn về nhiều chủ đề: tình yêu, cảm xúc, sự sáng tạo, từ bi,… Ở tác phẩm “Tự do - Như chim tung cánh”, ông bàn đến một trong những vấn đề quan trọng nhất đối với tâm thức con người: tự do.
Osho là một nhà tư tưởng có sức ảnh hưởng đến nhiều người trên thế giới. Ông được báo chí quốc tế mô tả là một trong “1.000 người kiến tạo của thế kỷ 20” và là một trong mười người đã thay đổi vận mệnh của Ấn Độ (cùng với Gandhi, Nehru và Đức Phật…).
Những tác phẩm của Osho đã được dịch ra hơn 60 ngôn ngữ và được đông đảo bạn đọc trên thế giới đón nhận. Tại Việt Nam, dòng sách Osho cũng đã có mặt từ hàng chục năm nay, được nhiều độc giả yêu thích và tìm đọc.
Trong “Tự do - Như chim tung cánh” mà First News Trí Việt vừa ấn hành, Osho bàn đến một trong những vấn đề quan trọng nhất đối với tâm thức con người: tự do. Trong suốt chiều dài lịch sử, con người luôn kêu đòi tự do, luôn đấu tranh vì tự do. Đó có phải là tự do mà Osho nói đến không? Bản chất của tự do là gì?
Ở phần đầu tiên của quyển sách, Osho nói về các chiều kích của tự do. Theo ông, tự do có ba chiều kích. Chiều kích thứ nhất là về thể chất. Con người có thể bị biến thành nô lệ, bị rao bán như một món hàng, họ không có quyền con người. Tự do về thể chất là không có bất kỳ sự phân biệt nào liên quan đến cơ thể con người, về màu da, giới tính, sự trong sạch hay uế tạp, mọi cơ thể đều bình đẳng.
Chiều kích thứ hai là tự do về tinh thần. Con người chỉ tự do về tinh thần khi không bị nhào nặn trí óc, không bị ép vào một khuôn khổ nhất định, không bị lệ thuộc vào tôn giáo, cha mẹ, trường học. Tự do tinh thần chỉ có thể khi trẻ em được khuyến khích tìm kiếm chân lý và được tạo điều kiện để lớn lên có trí tuệ, thông minh hơn, tỉnh táo hơn.
Chiều kích thứ ba là tự do tối thượng, “biết rằng bạn không phải là cơ thể này, biết rằng bạn không phải là tâm trí này, biết rằng bạn chỉ là tâm thức thuần khiết”. Sự tự do này sẽ xuất hiện thông qua thiền. Đó là tự do tâm linh.
Trong hai phần còn lại, Osho dẫn dắt bạn đọc từng bước hướng tới hành trình đạt đến tự do. Con đường đó là trở thành một người nổi dậy. Con đường đó phải là thiền. Nổi dậy ở đây không phải là chống đối xã hội, mà nghĩa là hiểu.
Muốn trở thành người tự do, chúng ta không thể cư xử theo những khuôn mẫu đã bị áp đặt. Và một khi đã phá vỡ khuôn mẫu, chúng ta phải tự mình hiểu và tự mình chịu trách nhiệm. “Bạn có thể có tự do. Nhưng cái giá phải trả là chịu hoàn toàn trách nhiệm với tự do đó” - Ohso chia sẻ.
Với những chia sẻ đầy khai mở, cuốn sách “Tự do - Như chim tung cánh” giúp người đọc xác định những trở ngại đối với tự do của họ, có thể do hoàn cảnh hoặc do bản thân họ tự áp đặt, tìm thấy lòng dũng cảm để thành thật với chính mình. Và hãy lắng nghe lời Osho nhắn nhủ chúng ta: “Hãy sống với tất cả thống khổ tột cùng và hạnh phúc ngất ngây của cuộc sống - cả hai đều thuộc về bạn. Và luôn nhớ: Bạn không thể sống trong hạnh phúc ngất ngây mà không trải qua đau khổ tột cùng, sự sống không thể tồn tại nếu thiếu cái chết, và hân hoan không thể tồn tại nếu thiếu phiền muộn. Cuộc đời là thế, bạn không thể làm gì khác”.