"Mắt rỗng" lấy bối cảnh phố với nhiều biến đổi gấp gáp của một đời sống đi thị chạng vạng, nhập nhòe. Nhân vật chính phân thân làm hai nửa, một hành động mang danh “hắn”, một phán xét tự nhận “mình”.
Câu chuyện xoay quanh Thế Hoàng cùng một nhóm nhỏ mấy người bạn Hà Nội của anh. Họ vốn là họa sĩ hoặc cũng gần gũi với giới mỹ thuật theo nhiều cách khác nhau, đều thông minh, tháo vát, thành đạt trong nghề nghiệp. Nhưng ở tiểu thuyết này, nhân vật họa sĩ Thế Hoàng lại sống trong tình trạng phân thân rõ rệt, bằng hai giọng kể dẫn truyện, lần lượt xưng "mình" và tự gọi "mình" là "hắn".
"Các truyện, tiểu thuyết và tản văn của họa sĩ Đỗ Phấn đều mọc lên từ cái nền các sự kiện đời sống hằng ngày, của những cư dân bình thường hầu như vô danh trên bản đồ đô thị. Những sự kiện lặp lại hằng ngày, nhưng bao giờ cũng đổi thay linh động như hình ảnh trong ống kính vạn hoa. Một sự đổi thay sáng tạo riêng có của đời sống thị thành Hà Nội." - Nguyễn Chí Hoan
"Đó là một hành trình đầy bi kịch khi mà cả “mình” lẫn “hắn” đều bị rơi vào một định mệnh nghiệt ngã: muốn tiếp tục sáng tạo chỉ có thể tìm về với chính mình nhưng chính “mình” tự thổ lộ, đó là “con mắt bóc tách ngược trở lại mình” và ở cuối con đường ấy lại chỉ là một trống rỗng mênh mông. Ở ý nghĩa đó, tiểu thuyết của Đỗ Phấn giống như khúc cầu hồn đa thanh cho một thế giới đang tan rã không thể cứu vãn. Trong thẳm sâu buồn bã và bi kịch, nó vẫn khao khát khôn cùng một cái gì có ý nghĩa cho một thế giới đã bị tước đi toàn bộ ý nghĩa." - Phạm Xuân Thạch