Albert Camus không xa lạ với độc giả Việt Nam nhờ các tác phẩm: Ngộ nhận, Người xa lạ (riêng tiểu thuyết này đã có nhiều bản dịch khác nhau), Dịch hạch, Huyền thoại Sisyphe, Lưu đày và vương quốc...
Và giờ đây là "Cái chết hạnh phúc".
Được xếp vào phần di cảo, tiểu thuyết này tựa như mảnh ghép khuyết theo vào bức tranh cuộc đời và sự nghiệp của vị văn hào người Pháp đoạt giải Nobel năm 1957.
Theo các nhà nghiên cứu, bản thảo "Cái chết hạnh phúc" được hoàn thành trước khi "Người xa lạ" xuất bản năm 1942. Tuy nhiên, mãi sau khi Albert Camus qua đời trong một vụ tai nạn xe hơi năm
1960, tác phẩm này mới được công bố.
Tiểu thuyết có nhân vật chính là Mersault, trùng tên với nhân vật chính trong "Người xa lạ". Đó không phải điểm tương đồng duy nhất giữa hai tác phẩm. Dẫu thế, Mersault ở cả "Người xa lạ" và "Cái chết hạnh phúc" là “tuy một mà hai”. Mersault của "Cái chết hạnh phúc" cảm nhận đời sống là phi lý, nhưng hắn không thoái lui mà quyết định đương đầu bằng lòng can đảm và thái độ tận hiến.
“Trong huyết mạch bồn chồn luôn không thể đi tới tận cùng châu thân, hắn vẫn hiểu rằng mình không yếu đuối như vậy. Bởi vì hắn đã sống trọn, đã hoàn thành bổn phận duy nhất của con người là sống hạnh phúc. Dù không dài lâu. Nhưng thời gian chẳng có nghĩa lý gì ở đây. Thời gian chỉ có thể là một trở ngại hoặc không còn là trở ngại. Hắn đã hủy diệt trở ngại, hủy diệt luôn người anh em tự huyễn bên trong mình, bất kể kẻ đó hai tuổi hay hai mươi tuổi. Hạnh phúc vốn dĩ là như vậy.”