Cuốn sách này viết về “tính dân tộc” trong âm nhạc Phạm Duy như minh chứng cho “tình yêu nước nồng nàn” được thể hiện suốt cuộc đời cũng như sự nghiệp của một người đã gửi gắm tình tự vào cung bậc thanh âm và nội dung những ca từ trong các tác phẩm. Bằng chất liệu hồi ức, phần đầu cuốn sách nói về tình bạn giữa hai người chạy dài suốt những năm tháng cuộc đời cho đến khi cả hai đã bước qua ngưỡng tuổi 90. Phần tiếp theo là sự phân tích bằng ngôn ngữ nghề nghiệp của một nhà nghiên cứu âm nhạc truyền thống dân tộc, cho người đọc nhận thức được rằng trong gia tài âm nhạc rất đa dạng, phong phú và đồ sộ của Phạm Duy, cái cốt lõi cơ bản nhất, sâu sắc nhất hình thành nên giá trị di sản của ông chính là gốc rễ văn hóa Việt Nam đã ăn sâu vào huyết quản, vào trái tim, vào ký ức với những hình ảnh quê hương khó phai nhòa trong lòng Phạm Duy để ông có thể tình tự qua âm nhạc mà gắn bó cả đời mình với dân tộc.
Ngoài ra tác giả còn nhận định về những khía cạnh thật đặc biệt trong con người Phạm Duy mà ít ai thấy: Phạm Duy là một nhạc sĩ toàn diện vừa viết nhạc lại có khả năng viết cả lời ca rất hay, lại tự mình biểu diễn trên sân khấu những sáng tác của mình như một ca sĩ chuyên nghiệp, đồng thời còn là một người dẫn chương trình duyên dáng đầy sức cuốn hút trong các buổi giới thiệu về các sáng tác của mình. Trong cái nhìn của Giáo sư Trần Văn Khê - một người chuyên nghiên cứu âm nhạc thì bản thân Nhạc sĩ Phạm Duy mang trong mình một óc nghiên cứu rất khoa học và tinh tế không thua gì những nhà nghiên cứu thực thụ, điều đó được thể hiện qua những gì Phạm Duy tìm tòi, ghi chép, hệ thống và cho ra đời những thiên đặc khảo vể âm nhạc được nhiều người biết đến.