Ngàn mùa hoa còn là một bức tranh nhiều màu sắc sống động được tác giả phác họa bằng ngôn ngữ trong sáng, giản dị. Dưới ngòi bút của ông, màu không chỉ là xanh đỏ tím vàng, mỗi màu còn có nhiều thang bậc khác nhau “màu vàng chanh của hoa mướp, hoa cải, màu vàng thư của hoa bí ngô” (Hoa vàng), “Đỏ tía là hoa chuối, Đỏ tươi là hoa vông, hoa gạo. Màu đỏ của hoa hồng có quanh năm... Mùa hè hoa mào gà đỏ đến chói mắt. Hoa lựu như những đốm lửa lập lòe về mùa hè.” (Hoa đỏ). Đôi khi, ngòi bút của ông không chỉ vẽ hoa mà còn vẽ cây, vẽ lá dẫu chúng non nớt “chưa đủ màu xanh mà hãy còn hồng hồng như chưa biết cuộc đời làm lá” (Rau láo nháo).
Dường như mọi vật qua góc nhìn của ông dẫu rất bình thường, đôi khi tưởng tầm thường, như cây rau sam, rau tập tàng nằm rạp mình trên đất, hay đơn giản là những giọt gianh “trông trong vắt” tí tách từ mái nhà tranh làm chỗ nước rơi “lõm sâu xuống, trơ ra vài miếng gạch hồng hồng, vài viên sỏi”, mái gianh “lơ xơ lác xác như một mái đầu lười cắt tóc” (Giọt gianh) cũng trở thành nỗi nhớ, niềm thương của người bé khi trở thành người lớn. Cái thuở bé bỏng mỗi buổi mẹ đi chợ về ngồi ngóng “cái dáng đi tất tưởi” của mẹ, ngóng cả món quà chợ mẹ cho khi thì cái bánh đa khoai, lúc là cái bánh chưng gù, một xâu hạt mít... Những món quà tuổi thơ giờ nghĩ lại đó còn là “tình thương yêu vô bờ bến của mẹ dành cho tôi” (Quà chợ). Có lẽ, nhà văn dùng ngôn từ vẽ lên từng cái lá, bông hoa, từng góc vườn, ruộng lúa không chỉ đơn giản muốn lột tả cái đẹp của quê hương, hơn hết ông muốn gửi gắm cả nỗi nhớ niềm thương về một nơi ông đã sinh ra và lớn lên, nơi có những kỉ niệm bên gia đình.
Quê hương là cánh cổng làng ẩn hiện sau lũy tre, là ngôi đình làng “bảy gian hai chái” được “xây gạch vồ, lợp ngói mũi hài, bốn góc gọi là bốn đầu đao cong vút lên, có cái đuổi con chịm phượng uốn cong” (Ngôi đình láng), là cái nùn rơm bố cầm theo ra đồng, là ổ rơm tắm đủ nắng hè, sưởi ấm cho người bé vào ngày đông lạnh giá. Cách nhà văn mô tả rõ nét từng chi tiết giúp người thế hệ cũ hoài niệm về một thời chân đất, nền nhà bằng đất nện được trang trí bằng hạt trám xinh xinh, còn người thế hệ mới đọc thì tò mò về những vật dụng thời ấy, ví như cái cối giã gạo, cái nùn rơm, ổ rơm... Thế là bạn nhỏ thời hiện đại lại tò mò tìm hiểu, tò mò khám phá những gì đã đi vào trí nhớ của người lớn, những gì đã nằm lại trên dòng chảy lịch sử phát triển của đất nước.