Đây là công trình nghiên cứu về văn hóa Nam Bộ qua các tác phẩm của nhà văn Sơn Nam, trong công trình này chúng tôi sử dụng các phương pháp nghiên cứu sau đây: phương pháp phân tích và tổng hợp tư liệu, phương pháp thống kê, phương pháp hệ thống - cấu trúc và phương pháp so sánh.
Sơn Nam viết rất nhiều đề tài và nhiều thể loại, nhưng tựu chung lại, ông phản ánh văn hóa Nam Bộ qua hai dạng là biên khảo và sáng tác văn học. Biên khảo là những công trình đáng tin cậy nhất mà chúng tôi dựa vào để làm tài liệu chính cho công trình này. Mảng tài liệu thứ hai đó là sáng tác văn học, phản ánh văn hóa Nam Bộ một cách gián tiếp qua lăng kính của Sơn Nam. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sử dụng và các công trình nghiên cứu, sách vở, bài báo viết về thân thế, sự nghiệp, nhận xét về Sơn Nam các tác phẩm của ông của các nhà nghiên cứu thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.
Văn hóa Nam Bộ hôm nay, theo cái nhìn hệ thống - cấu trúc gồm 3 yếu tố: môi trường văn hóa (không gian văn hóa, giao lưu tiếp biến văn hóa), chủ thể văn hóa (các tộc người Việt, Hoa, Khmer, Chăm) và hoạt động văn hóa (văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể). Sơn Nam là một nhà biên khảo không chuyên, ông không nhìn văn hóa Nam Bộ như một hệ thống mà ông gộp chung tất cả lại trong các công trình biên khảo và sáng tác văn học. Để tránh sự trùng lắp, sự cồng kềnh và làm tăng số trang không cần thiết trong công trình, chúng tôi chọn cách trình bày lồng ghép các yếu tố môi trường văn hóa, chủ thể văn hóa vào trong hoạt động văn hóa. Do đó, người đọc sẽ không thấy các yếu tố môi trường văn hóa và chủ thể văn hóa được phân chia thành chương, mục trong công trình này.
Cuốn sách Văn hóa Nam Bộ qua cái nhìn của Sơn Nam của chúng tôi nhằm làm rõ những đóng góp của nhà văn Sơn Nam đối với văn hóa Nam Bộ, cụ thể là sự phản ánh văn hóa Nam Bộ qua các biên khảo và sáng tác văn học của ông. Cuốn sách cũng chủ yếu hướng đến đối tượng bạn đọc là học sinh, sinh viên và độc giả yêu thích giọng văn hóm hỉnh, hài hước của Sơn Nam. Ngoài ra, công trình còn làm tài liệu tham khảo cho các ngành ngữ văn, văn hóa học, văn học nghệ thuật ở các trường đại học.
(Trích lời nói đầu)