“Walden” là một hồi tưởng đầy chiêm nghiệm suy tư về quãng đời “hai năm hai tháng hai ngày” sống một mình trong một mảnh đất rừng bên cạnh đầm Walden, “Giọt nước của Trời”, “đáng yêu hơn kim cương” trong một ngôi nhà tự xây lấy, và bằng lao động của chính đôi tay mình. Ở Walden, ông đã số́ng nhiệt thành say mê đầy tỉnh thức “Tôi đi vào rừng bởi vì tôi muốn sống thong dong, chỉ đối diện với những sự kiện tinh tuý nhất của cuộc sống, và xem thử tôi có thể học được những gì nó phải dạy tôi hay không, và không để đến khi tôi gần chết mới khám phá ra rằng mình chưa hề sống”. Ông chủ trương sống đơn giản vì “Phần lớn những xa xỉ và cái được gọi là tiện nghi không chỉ không tuyệt đối cần thiết, mà còn rõ ràng cản trở việc nâng cao phẩm giá con người”. Ông mang vào rừng giấc mơ về một cuộc sống vô ưu đầy vui thú.
Ngày nay chỉ có những giáo sư triết học, mà không có các triết gia. Là một triết gia không phải chỉ là có những tư tưởng siêu việt uyên áo, thậm chí cũng không phải là lập ra một trường phái, mà là yêu sự thông thái đến mức sống theo những tiếng gọi của nó, một đời sống đơn giản, độc lập, cao thượng, và tin tưởng. Đó là việc giải quyết một số vấn đề của cuộc sống, không phải về lý thuyết, mà về thực tiễn.
Không gì mô tả Henry David Thoreau chính xác hơn những lời trên trong chính cuốn sách nổi tiếng nhất của ông: Walden, hay một mình sống trong rừng, xuất bản lần đầu năm 1854. Trong kho tàng văn học thế giới, đôi khi người ta phân vân không biết nên xếp vào Walden thể loại nào: triết học, tiểu thuyết, hồi ký. Các nhà phê bình coi “Walden” như tác phẩm kinh điển của văn học Mỹ, khám phá sự giản đơn, hài hoà và vẻ đẹp của thiên nhiên như những mẫu mực cho một xã hội và văn hóa xứng đáng.
Henry David Thoreau để lại hơn 20 tập sách, báo, tiểu luận, thơ. Suốt đời mình, Thoreau chống chế độ nô lệ, công kích đạo luật về Nô lệ bỏ trốn, bảo vệ thiên nhiên, lên tiếng mạnh mẽ bảo vệ quyền tự do cà nhân. Ông viết: “Sẽ không bao giờ có một nhà nước thật sự tự do và khai minh cho đến khi nhà nước nhận thức cá nhân như một quyền lực cao hơn và độc lập, tất cả mọi quyền lực và quyền uy của nhà nước đều từ đó mà ra, và đối xử với cá nhân một cách tương ứng.” Nhiều đóng góp của ông còn có tác dụng đến tận ngày nay: ông viết lịch sử tự nhiên và triết học tự nhiên, ông đi trước trong nhiều phương pháp và phát hiện của sinh thái học và lịch sử môi trường, hai nguồn gốc của chủ nghĩa môi trường hiện đại.
Trích dẫn sách Walden - Một Mình Sống Trong Rừng (Ấn Bản Bỏ Túi)
"Walden nhấn mạnh tầm quan trọng của lối sống giản đơn, tự chủ, trầm tư, gần gũi thiên nhiên, vượt lên trên “sinh tồn tuyệt vọng” này, vốn là số mệnh của đa số người. Trong chương “Trại Baker” Thoreau kể một buổi chiều lang thang trong rừng, ông gặp mưa dông và phải vào trú nhờ căn nhà tối tăm nhếch nhác của John Field, một tá điền Ai Len không xu dính túi nhưng cần cù lao động, với vợ và con anh ta. Thoreau thuyết phục Field hãy sống đơn giản nhưng độc lập bằng cách vào rừng để thoát khỏi cả chủ đất lẫn chủ nợ, nhưng anh chàng người Ai Len này từ chối vì không sao dứt bỏ được những khao khát xa hoa và tiếng gọi của “giấc mơ Mĩ”."
(Trích "Lời giới thiệu", Walden - Một mình sống trong rừng, Henry David Thoreau, NXB Tri thức)