Nhà ảo thuật trên cầu bộ hành xuất bản năm 2011, năm 2020 được hai họa sĩ truyện tranh nổi tiếng của Đài Loan là Ruan Guang-Min (Nguyễn Quốc Dân) và Sean Chuang (Tiểu Trang) chuyển thể thành graphic novel, năm 2021 được chuyển thể thành phim truyền hình 10 tập chiếu trên nhiều nền tảng.
Tuyển tập gồm 10 truyện ngắn này có bối cảnh là khu chợ Trung Hoa ở Đài Bắc vào những năm 1970, với đề tài là câu chuyện trưởng thành của đám trẻ khu chợ, còn “nhà ảo thuật trên cây cầu bộ hành” đóng vai trò xuyên suốt, kết nối những câu chuyện ấy.
Cậu bé nhà tiệm giày ao ước học trò ảo thuật, thằng Mark hàng kim khí bỗng đi đâu biệt tích ba tháng trời rồi quay về đầy ly kỳ, cô nàng Theresa con thầy bói sở hữu chú cá vàng trong suốt… Mỗi câu chuyện có một nhân vật chính , người kể chuyện và góc nhìn khác nhau, nhưng nhân vật của câu chuyện này đôi khi lại xuất hiện trong câu chuyện khác với tư cách là khách qua đường. Và những nhân vật trong câu chuyện đều tìm cách cứu rỗi hiện tại từ những ký ức quá khứ.
Bằng bút pháp hiện thực huyền ảo, WU Minh-Yi tái hiện lại diện mạo ngày trước của khu chợ nơi mình lớn lên, hoài niệm một thời đại đã qua từ góc nhìn trẻ thơ, dù có lúc man mác bị thương song vẫn ấm áp chân tình.
Trích dẫn sách Nhà Ảo Thuật Trên Cầu Bộ Hành
“Khi tôi hỏi họ có nhớ nhà ảo thuật trên cầu bộ hành hay không, một số người đã quên ráo, còn hỏi: ‘Trên cầu bộ hành có một nhà ảo thuật thật hả?" Đương nhiên cũng có một số người nhớ, làm tôi thở phào nhẹ nhõm. Sự tồn tại của nhà ảo thuật ấy, đối với tôi giống như sự tồn tại của cây cầu bộ hành trên phương diện ý thức nào đó. Không có nhà ảo thuật thì không có cầu bộ hành, không có cầu bộ hành, khu chợ sẽ đứt gãy, sẽ không thành khu chợ nữa. Câu chuyện không hẳn hoàn toàn là ký ức, ký ức tương đối giống một món đồ dễ vỡ hoặc một thứ nên được quyến luyến, nhưng câu chuyện thì không. Câu chuyện là đất sét, là thứ mọc ra ở nơi vắng bóng ký ức, nghe hết chuyện này thì nên sang chuyện khác, ngoài ra câu chuyện sẽ quyết định người kể chuyện cần phải kể chúng như thế nào. Ký ức chỉ cần chú ý hình thức lưu trữ là được, chúng không cần được kể ra. Chỉ khi ký ức kết hợp với phần bị quên lãng, biến hình thành câu chuyện mới đáng được kể.” - Wu Ming-Yi; Nhà ảo thuật dưới gốc cây còng