Trong làng văn học Việt Nam rất hiếm có nhà văn nào nhận được sự yêu thương, mến mộ từ nhiều thế hệ độc giả khác nhau như nhà văn Tô Hoài. Nếu các bạn nhỏ biết đến ông như một người bạn dí dỏm, đáng yêu qua kiệt tác Dế mèn phiêu lưu ký và series truyện ngộ nghĩnh về loài vật, thì độc giả lớn tuổi biết đến ông như một cây đại thụ của làng văn với nhiều tác phẩm đã trở thành những tượng đài bất tử như Vợ chồng A Phủ, Cứu đất cứu mường, Chuyện đầm sen đền Đồng Cổ…
Khách Nợ là nét vẽ thực về những con người, những cảnh đời khốn cùng ở làng quê nghèo ngoại thành Hà Nội trước Cách mạng Tháng Tám. Với cách kể chuyện bình dị, nhẹ nhàng, không màu mè, hoa mỹ, từng câu chuyện, từng số phận cứ từ từ xuất hiện, họ sống, chết, đói khổ, đau thương… chân thật đến ngỡ ngàng nhưng cũng xót xa đến ngỡ ngàng. Trong tập truyện không thể không kể đến những trang viết độc đáo, đầy hấp dẫn về loài vật nhưĐôi ri đá, Chú gà trống ri, Mụ ngan… Những câu chuyện tưởng chừng vô thưởng vô phạt, nhưng góp phần không nhỏ phơi bày những hiện trạng xã hội thời bấy giờ.
Chiếc Áo Xường Xám Màu Hoa Đào là một trong số ít những tập truyện viết về đời sống cơ cực, lay lắt, mù mịt, bị đàn áp nặng nề của các dân tộc miền núi Tây Bắc trước 1945. Tập truyện là quá trình vùng lên thoát khỏi xiềng xích đến với chân trời mới của những số phận bé mọn khao khát tự do. Với lối kể chuyện tự nhiên, giọng văn khi dửng dưng, khi đanh thép, lúc bùi ngùi, lúc lại đầy kịch tính, con người vùng cao với bao đau thương, bất hạnh đã được khắc họa rõ nét với những A Phủ, Hùng Vương, Mỵ, bà Ảng… Đặc biệt, đây là lần đầu tiên nỗi đau thương, cuộc sống bất công của người phụ nữ miền núi Tây Bắc được đề cập đến với cái nhìn đầy cảm thông và chia sẻ.