Đột quỵ là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn phế trên toàn thế giới. Tuy nhiên, đa số người dân chưa biết cách nhận biết sớm và phòng ngừa đột quỵ, dẫn đến mất "thời gian vàng" trong cấp cứu, khiến tỷ lệ tử vong và tàn phế gia tăng đáng kể. Trong khi, thực tế, bệnh này có thể được phòng ngừa hoặc giảm thiểu hậu quả.
Theo TS-BS. Trần Chí Cường - Chủ tịch Liên chi hội Can thiệp Thần kinh TP.HCM, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ, mỗi năm trên thế giới có khoảng 15 triệu bệnh nhân đột quỵ, mỗi 45 giây có 1 trường hợp mắc mới và cứ mỗi 3 phút có 1 bệnh nhân đột quỵ tử vong. Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 trường hợp đột quỵ. Đặc biệt, người bị đột quỵ ngày càng trẻ hóa.
Ông nhận định: “Đây là căn bệnh điều trị rất khó khăn và tốn kém, cũng như luôn là nỗi ám ảnh tử vong đột ngột và tàn phế lâu dài cho những người may mắn vượt qua”. Đa số người dân chưa được trang bị đầy đủ thông tin về cách nhận biết sớm và phòng ngừa đột quỵ, dẫn đến mất "thời gian vàng" trong cấp cứu, khiến tỷ lệ tử vong và tàn phế gia tăng đáng kể.
Bác sĩ Cường khẳng định, thực tế, đột quỵ có thể được phòng ngừa hoặc giảm thiểu hậu quả nếu cộng đồng có kiến thức và nhận thức đúng đắn về bệnh. Do đó, việc nâng cao nhận thức, giáo dục và phổ biến kiến thức về đột quỵ trong cộng đồng là vô cùng cấp thiết, không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe bản thân mà còn góp phần giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Xuất phát từ thực tế này, TS-BS. Trần Chí Cường cùng các bác sĩ chuyên khoa đang công tác tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ đã thực hiện cuốn sách Cẩm nang sức khỏe Phòng chống đột quỵ.
Sách giúp người đọc có cái nhìn tổng quan về đột quỵ cùng các dấu hiệu nhận biết bệnh sớm, cách điều trị, chăm sóc bệnh nhân sau đột quỵ, cũng như cách phòng ngừa các yếu tố nguy cơ của “kẻ giết người số một” này.
(Theo Doanh Nhân Sài Gòn)