“100 câu hỏi về lịch sử chữ quốc ngữ” như một cách tiếp cận khác về chữ quốc ngữ dưới dạng hỏi đáp.
Đôi khi trong chúng ta có ai tò mò về chữ quốc ngữ, dù cho ta không có thời gian đọc cả một cuốn sách, nhỡ đâu ta có thể tìm thấy câu trả lời trong cuốn sách này.
Tác giả cố gắng đặt mình vào vị trí của độc giả và của người Việt Nam nói chung, để tự vấn mình những vấn đề xoay quanh lịch sử chữ viết mà chúng ta dùng hằng ngày: hoàn cảnh ra đời, quá trình hình thành, phát triển, cũng như những nhân vật có nhiều đóng góp quan trọng chữ quốc ngữ.
Độc giả cũng có thể tìm thấy trong cuốn sách này những giải thích về logic chính tả của chữ quốc ngữ và cả những biến chuyển lớn lao trong đời sống xã hội, văn hóa - giáo dục…
Trích dẫn sách 100 Câu Hỏi Về Lịch Sử Chữ Quốc Ngữ
Lịch sử chữ quốc ngữ không chỉ là nan đề nghiên cứu của một nhóm các nhà nghiên cứu, mà còn là lịch sử gắn với tất cả người dân Việt Nam, bởi đó là chữ viết mà người Việt chúng ta dùng hằng ngày.
Nhà nghiên cứu bắt đầu công trình của mình với những tò mò và những câu hỏi trong hành trình đi tìm chân lý khoa học và tri thức. Với nỗ lực phổ biến công trình hàn lâm về lịch sử chữ quốc ngữ, bằng cách tiếp cận dưới dạng hỏi đáp, Phạm Thị Kiểu Ly đặt mình vào vị trí độc giả như cách thức của Galilée trong cuốn Đối thoại về hai hệ thống chính yếu của thế giới (1632): “Để xem nếu tôi ở vị trí của độc giả, tôi sẽ hỏi gì?” Đó có thể là câu hỏi của một người Việt trước cổng Văn miếu Quốc Tử Giám: Vì sao trước đây người Việt lại dùng chữ Hán, chữ Nôm, mà giờ đây chúng ta lại dùng chữ viết hệ La-tinh?
Đó có thể là câu hỏi của các nhà nghiên cứu về mối liên hệ giữa chữ viết và văn hiến. Và cũng có thể là câu hỏi của một em học sinh dành cho thầy cô hoặc cha mẹ: Vì sao ta lại viết cái ca, kinh kệ trong khi âm đầu cùng là âm /k/?...
Nhận xét, đánh giá dành cho cuốn sách 100 Câu Hỏi Về Lịch Sử Chữ Quốc Ngữ
"Tập sách nhỏ này là một bản tóm tắt hành trình thăng trầm của chữ quốc ngữ, thứ chữ viết mà các nhà nho ở thế kỷ 19 khinh rẻ quy chụp là công cụ của thực dân Pháp, khiến cho người Việt Nam quay lưng lại với truyền thống của cha ông. Nhưng đồng thời đây cũng là chữ viết khai tri cho dân tộc ta thông qua các phong trào Duy Tân và Đông Kinh Nghĩa Thục ở thế kỷ 20."- PGS Trần Quốc Anh
“Cuốn sách 100 câu hỏi về lịch sử chữ quốc ngữ [...] được trình bày dưới dạng hỏi đáp nhằm kích thích trí tò mò của độc giả. Qua trả lời cho 100 câu hỏi này, tác giả đã giải thích được hoàn cảnh ra đời của chữ quốc ngữ, quá trình hình thành phát triển và hoàn thiện của lối viết này đối với tiếng Việt. Điều đó không chỉ có giá trị đối với người nghiên cứu mà còn rất hữu ích cho dông đảo bạn dọc quan tâm đến vấn đề này." - GS Trần Trí Dội