"Bốn mươi tản văn này, tôi biết Hà đã viết trong những ngày dông bão nhất của đời Hà. Vậy mà vẫn thanh thản, êm đềm, thuần phác trong từng câu chữ, bởi khi ngồi vào bàn viết, Hà đã dựa vào sự lắng đọng của một chữ TÂM. Hà viết về những phong tục, tập quán, những thành tựu văn hóa đang dần mất đi nhưng không thở than hoài cổ, chỉ dịu dàng góp nhặt, nâng niu từng chút kỷ niệm.
… Trang viết của Hà nhắc nhớ lại mùi thơm của nhựa lá từ hàng chè tàu được cắt xén trước Tết, mùi lá chuối chín tỏa lan từ thùng bánh tét giao thừa, mùi vải phin mới thơm thơm trên áo trẻ con.
… Hà nói về món ăn, mà thật ra là nói về con người, về đạo sống. Món ăn chất chứa tình thương yêu của người bán, người nấu và cả người thưởng thức, bởi theo Hà, trước khi ‘gây thèm’ thì đã ‘gây nhớ, gây thương’.
… Hà cũng dành những trang viết cho những người phụ nữ Huế xưa và nay, từ bà thái hậu nổi tiếng phúc đức hiền minh cho đến những cung tần mỹ nữ vô danh trong Đại Nội.
… Đọc văn của Hà cứ như đang nghe Hà nói chuyện, lúc nào cũng thấy một cảm giác ấm áp lạ lùng bởi một vẻ thân thiện hiền hòa trên mắt, trên môi. Có lẽ trong lòng Hà luôn có một suối nguồn tươi mát chảy qua từ cái tâm từ ái của người mẹ Huế." - Nhà văn Trần Thùy Mai
[...]
“Mạ luôn dạy con từ những điều tưởng nhỏ trong cuộc sống như nấu ăn. Có lẽ vì những điều tâm đức mạ để lại nên mùa xuân này nhớ mạ, con lại nhớ về tình thương mà mạ gói trong những món ăn. Tình thương không có mùa, cũng như mùa xuân, con ngồi nhớ món ăn mùa hạ của mạ, sâu thẳm con biết, món ăn chỉ là cái cớ và con nhớ mạ khi mùa xuân về, mạ ơi!” - Nguyễn Khoa Diệu Hà