Cuốn sách đánh dấu một chặng đường thơ miệt mài của Nguyễn Bình Phương, là món quà tri ân anh gửi đến những độc giả yêu thơ. Với quan niệm "Nhà văn là kẻ viết không giống ai và sống giống mọi người", thơ Nguyễn Bình Phương hồn hậu, thuần chất như tiếng nói của một người bạn tâm tình. Thế nhưng, tận sâu trong chất giọng tưởng chừng như thân quen ấy, nét cá tính và lối tư duy riêng biệt vẫn bừng sáng trên từng con chữ. Một gương mặt thơ không thể trộn lẫn vẫn lặng lẽ đi bên cạnh cuộc đời này.
Những bóng tối lảng vảng trên tóc
Trên mặt sông rút dải làn sương bạc
Trong giấc ngủ thâm u bầy người điên ngơ ngác
Đã trở về
Khuôn mặt nước giếng khơi rạng rỡ
Tôi châm thuốc ra ngoài gặp cỏ
Nghĩ đến mình nghĩ đến mình thật nhiều
Nhắm mắt lại và từ từ hiển hiện
Một vườn mía ngọt lúc trăng lên
Tin vào đêm
Không tin bóng tối
Những ngôi đền rụt rè sáng cùng tôi
Nhận định
"Tập thơ Xa xăm gõ cửa của Nguyễn Bình Phương sẽ mang đến cho độc giả những trải nghiệm thú vị trong quá trình thưởng thức cái hay, cái đẹp của ngôn ngữ tiếng Việt. Cuốn sách mở ra một thế giới mộng mị, hư ảo, ma quái, phiêu diêu. Ngôn ngữ thơ Nguyễn Bình Phương không phức tạp, hỗn loạn, không vặn xoắn mà sáng sủa, thậm chí giản dị nhưng anh vẫn tạo ra được một thế giới huyễn hoặc, lạ kỳ." - Theo ANTĐ
Thông tin tác giả
Sinh tại Thái Nguyên từng nhiều năm công tác tại biên giới phía Bắc. Từng biên kịch tại đoàn kịch nói Tổng cục Chính trị, biên tập văn học tại Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân. Hiện công tác tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Nguyễn Bình Phương xuất thân lính. Thi đậu trường viết văn Nguyễn Du khóa 4 anh vẫn mang quân phục lính. Ra trường chuyển về đoàn kịch quân đội, và sau đó là Nhà Xuất bản QÐND. Ở cương vị này Nguyễn Bình Phương là bà đỡ cho nhiều nhà văn với mảng văn học chiến tranh.
Những năm 90, “Những đứa trẻ chết già” là một bước tiến vượt bậc của Nguyễn Bình Phương nhưng giới văn chương tiếp nhận dè dặt, cánh phê bình im tiếng. Chỉ khi Phương thành danh với một loạt tiểu thuyết không lẫn vào ai thì họ mới ào ạt tiếp cận với đủ chủng loại lý luận gán vào thậm chí là phong thánh cho tác giả một mình một ngựa một con đường này.
Sau “Những đứa trẻ chết già”, Phương tiếp tục cho ra đời một loạt tiểu thuyết cùng một phong cách không lẫn vào người khác như “Người đi vắng”, “Thoạt kỳ thủy”, “Ngồi”…và mới nhất là cuốn tiểu thuyết có số phận kỳ lạ, “Mình và họ”. Ðây là cuốn tiểu thuyết được Phương viết xong năm 2010 nhưng bị các nhà xuất bản trong nước từ chối in ấn và nó được xuất bản ở Mỹ dưới cái tên “Xe lên xe xuống”. Mãi đến năm 2014 nó mới được nhà xuất bản Trẻ chấp nhận. Ngay lập tức “Mình và họ” nhận được hoan nghênh hưởng ứng của giới văn chương và độc giả.