Cuốn sách không chỉ đơn thuần là những ghi chép về cuộc sống trong ngục, mà còn là một cuộc hành trình tâm linh và triết lý. Tác giả thể hiện sự kiên cường, không khuất phục trước hoàn cảnh, cùng những suy tư sâu sắc về cuộc sống, con người và số phận. Thông qua từng trang viết, Tuệ Sỹ đã khắc họa những nỗi đau, sự cô đơn, nhưng cũng tràn đầy niềm hy vọng và ý chí sống.
Tập thơ gồm 18 bài thơ của Tuệ Sỹ bằng bốn ngôn ngữ Hán, Việt, Anh, Nhật; bút pháp thơ bằng Hán tự của Thiền sư Takaoka Shucho, và các hình ảnh.
Tập thơ là một dấu mốc lịch sử trong cuộc đời vị Phật Pháp của bậc long tượng Phật giáo Việt Nam đương đại; cũng là dấu mốc lịch sử của dòng chảy lịch sử Phật giáo dân tộc Việt. 18 bài thơ diễn tả tâm sự của một người tu đi tù dù trong cảnh lao lý nhưng vẫn tự tại, an nhiên; luôn nghĩ đến nỗi khổ đau của chúng sinh:
Phụng thử ngục tù phạn
Cúng dường tối thắng tôn
Thế gian trường huyết hận
Bỉnh bát lệ vô ngôn.
(Dâng chén cơm tù đày
Cúng dường đấng tối thắng
Thế gian máu hận thù chảy mãi
Bưng bát cơm mà lệ chảy không lời.)
- Bài cảm nhận của Trần Ban.
[...]
"Tập thơ này có nhan đề “Ngục Trung Mị Ngữ”. Ngục trung thì ai cũng hiểu nhưng “Mị ngữ” là thế nào? Mị là mộng mị nằm mơ, Ngữ là lời nói. Lời nói trong cơn mơ tức là nói mớ. Nói mớ thì người khác nghe chứ mình đâu có nhớ được mà viết ra thơ. Mượn cụm từ “nói mớ tầm phào” để ký thác lòng mình có lúc nhẹ nhàng thanh thản, có lúc đau đớn dằn co, có khi là niềm hy vọng cũng như những lời trối trăng trước khi tuyệt mệnh." - Trích “Tâm tình xoay quanh khi đọc Ngục Trung Mị Ngữ” (Bùi Chí Trung), in trong sách.