Cuốn sách tuyển chọn các bài viết theo năm nhóm chính sau: Ngôn ngữ và hình thái văn học; Con người cá nhân trong văn học trung đại Việt Nam; Nguyễn Du, “Truyện Kiều”, Hồ Xuân Hương; Văn học hiện đại và Mấy nét về lí luận văn học.
Những bài viết này bao gồm những bài đã được đăng trên các tạp chí hoặc một số sách (không phải là các tập sách riêng của tác giả) và nhiều bài viết mới chưa từng được công bố của các tác giả. Như nhan đề tập sách đã thể hiện, các vấn đề trong sách không được trình bày hệ thống mà chỉ là những mảnh ghép, chấm phá.
Song tuy là chấm phá, nhưng có những điểm nhấn mang tính bổ sung đối với một số vấn đề trong nền văn học dân tộc, góp phần làm sáng tỏ thêm một số khía cạnh của văn học sử. Bạn đọc sẽ tìm thấy ở đây những bài bàn về ngôn ngữ, phong cách văn học Hán Việt hỗn hợp thời trung đại, từ Hán Việt gốc Nhật, quan niệm về con người cá nhân, sự đổi thay quan niệm về con người này trong văn học thời trung đại, đóng góp của Nguyễn Du, về đoạn kết của Truyện Kiều,...; tình trạng và tên gọi của một số thể loại văn học Việt Nam hiện đại, các thành tựu đổi mới văn học của một số tác giả tiêu biểu như Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Nguyễn Bình Phương, Tố Hữu,...; mấy quan niệm về lí luận và phê bình văn học. Tuy xem ra không lạ gì, nhưng đọc kĩ sẽ thấy quan niệm riêng có tính bổ sung của tác giả.