Ma Văn Kháng Truyện ngắn chọn lọc - Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 4 năm 2012
Đọc truyện ngắn Ma Văn Kháng tôi có cảm giác như thế này. Trong truyện ngắn Ma Văn Kháng giọng của nhân vật người kể chuyện thường xuyên lấn lướt giọng của các nhân vật hành động. Nhà văn đã sáng tạo ra hình tượng người kể chuyện toàn năng, biết hết, thấy tất, mang nhiều nét xác thực tâm lý, gần gũi với hình tượng tác giả. Những gì nhân vật người kể chuyện, suy ngẫm, trăn trở hình như cũng chính là những điều đang suy ngẫm, trăn trở của nhà văn. Hình thức người kể chuyện toàn năng cho phép tác giả mở rộng thành phần lời văn trong mạch trần thuật. Dòng trần thuật của truyện ngắn Ma Văn Kháng là sự kết hợp hài hòa giữa mạch kể và mạch tả. Người kể chuyện thường xuyên bắt mạch tả, mạch kể phải dừng lại để bình luận, đánh giá, giải thích, hoặc cất lên tiếng nói trữ tình đầy thâm trầm, sâu lắng.
Giọng người kể chuyện lấn lướt giọng nhân vật hành động, nhưng lời văn trong truyện ngắn Ma Văn Kháng không đơn điệu về phương diện phong cách. Nhà văn sử dụng rộng rãi khẩu ngữ, trước hết là tục ngữ, thành ngữ, đem văn nói hòa trộn vào văn viết, tạo ra mạch trần thuật đa tạp giọng điệu rất đậm chất tiểu thuyết.
Nhận xét đánh giá dành cho cuốn sách Ma Văn Kháng Truyện Ngắn Chọn Lọc
"Truyện ngắn Ma Văn Kháng có hình hài, diện mạo rất riêng. Không nên nghĩ thể loại chỉ là câu chuyện hình thức, mà trước hết là vấn đề nội dung. Nó thể hiện một thái độ, một cách cắt nghĩa, một kiểu quan hệ của nhà văn với con người và đời sống. Thế giới hình tượng trong truyện ngắn Ma Văn Kháng được tạo dựng vững chắc trên cái nền của một tư tưởng nghệ thuật, một khuynh hướng cảm hứng thẩm mỹ. Nội dung tư tưởng của truyện ngắn Ma Văn Kháng thường vượt ra bên ngoài giới hạn của đề tài và chất liệu. Cho nên, đề tài và chất liệu chỉ là xương thịt được Ma Văn kháng sử dụng, tổ chức lại thành tác phẩm mà hồn vía là một khía cạnh nào đấy trong quan niệm nhân sinh của nhà văn…" - PGS . TS. Lã Nguyên
"Nếu muốn tìm đến sự phong phú của ngôn ngữ - áp cận được vào thì hiện tại tôi nghĩ cần đọc Ma Văn Kháng. Và trước đó - Tô Hoài. Đó là hai trong số ít người viết có được cả một kho chữ thật rùng rinh để tiêu dùng. Và do có cả một cái kho, nên anh là người không ưa dùng những chữ mòn, và ít khi làm cho mòn chữ. Dẫu đã quen hoặc lạ, chữ nghĩa khi đã qua tay Ma Văn Kháng là cứ ánh chói lên cái nội lực bên trong của nó." - GS. Nhà văn Phong Lê
"Thế giới hình tượng trong truyện ngắn Ma Văn Kháng được tạo dựng vững chắc trên cái nền của một tư tưởng nghệ thuật, một khuynh hướng cảm hứng thẩm mỹ. Nội dung tư tưởng của truyện ngắn Ma Văn Kháng thường vượt ra bên ngoài giới hạn của đề tài và chất liệu. Cho nên, đề tài và chất liệu chỉ là xương thịt được Ma Văn Kháng sử dụng, tổ chức lại thành cơ thể tác phẩm mà hồn vía là một khía cạnh nào đấy trong quan niệm nhân sinh của nhà văn." - PGS. TS. Lã Nguyên