Giấc ngủ chiếm từ 1/4 tới 1/3 cuộc đời chúng ta, nghĩa là khi 60 tuổi, bạn đã trải qua tổng cộng 15 năm đến 20 năm để ngủ. “Thật lãng phí thời gian!” một số người hẳn sẽ cảm thán như vậy khi xếp giấc ngủ vào cuối danh sách ưu tiên của mình. Tuy nhiên, ngủ lại là một hoạt động bắt buộc, không chỉ để có được cảm giác thoải mái tức thì mà còn vì sức khỏe nói chung, cả thể chất lẫn tinh thần.
Rất nhiều người, dù không hề rơi vào tình trạng rối loạn giấc ngủ theo nghĩa thuật ngữ y học, nhưng vẫn bị thiếu ngủ hoặc ngủ không ngon, ảnh hưởng tới sức khỏe và hoạt động trong ngày. Gần một phần ba dân số rơi vào tình trạng này, ít nhất trong một giai đoạn nào đó của cuộc đời. Song đó không phải định mệnh. Ai cũng có thể làm gì đó để cải thiện giấc ngủ của mình chỉ bằng cách tuân thủ những quy tắc đơn giản. Chỉ cần bắt tay vào hành động và phát triển tiến trình này.
Trích dẫn sách Ngủ Ngon Mỗi Đêm, Sống Khỏe Mỗi Ngày
“Chất lượng giấc ngủ thường giảm sút khi có biến cố trong cuộc đời, chẳng hạn mắc một căn bệnh, một nỗi đau thể xác, một yếu tố nguy hại ở môi trường sống, tiếng khóc của con trẻ vào ban đêm, những lo lắng đặc biệt, v.v. Đó là giấc ngủ kém sâu do các cơ chế thức vốn luôn ngầm ẩn, không giảm thiểu được hoạt động của chúng bởi não bộ bị duy trì ở trạng thái cảnh báo. Những khó khăn này, do phản ứng thái quá của cân bằng thức/ngủ, xảy ra ngày càng dễ dàng hơn vì giấc ngủ ngay từ lúc bắt đầu đã rất mong manh. Thực vậy, người ngủ ngon thường ít nhạy cảm hơn nhiều trước những thay đổi hoàn cảnh." - (Ngủ ngon mỗi đêm, sống khỏe mỗi ngày - Bác sĩ Joelle Adrien)