Duy Thức Phái được biết đến rộng rãi với giáo lý cốt tủy thể hiện qua tên gọi Duy Thức (vijñaptimātra), nghĩa là “chỉ có thức”, hay nói đúng hơn, chỉ có sự biểu hiện của thức. Theo giáo lý này, những gì chúng ta nhận thức thực chất chỉ là “ảnh tượng” của thế giới, bởi chúng chỉ là những biểu hiện do thức biến được phản chiếu lên tâm của chúng ta. Do vậy, quan niệm xem đối tượng nhận thức như một thực thể ngoại tại tồn tại độc lập đối với tâm thức (chủ thể nhận thức) bị xem là vô minh và là gốc rễ của khổ đau.
[…]
Cuốn sách này là nỗ lực của tác giả để giới thiệu với người đọc một cách tiếp cận hệ thống giáo nghĩa Duy Thức. Với chủ ý đưa ra một cái nhìn sát nhất có thể với những gì được ghi lại trong Thánh điển, tác giả chủ yếu dựa vào các luận thư nguyên điển (Phạn ngữ hoặc Hán ngữ trong trường hợp bản Phạn không còn, thỉnh thoảng tham chiếu các bản dịch hiện đại) để trình bày mà không diễn giải chủ quan theo tư ý. Tất nhiên, thái độ khách quan này vẫn không thể nói là hoàn toàn bởi dù gì nó cũng được diễn dịch lại từ quan điểm của một cá nhân.
Nội dung cuốn sách được trình bày theo trình tự từ dưới lên trên của mô hình chóp nón kết hợp với hai phạm trù sinh tử và niết-bàn. Từ nền tảng hình thành, các vấn đề được phát triển đến chỗ chín muồi. Hơn nữa, giống như một lộ trình tu đạo, các vấn đề cũng được bố trí theo trình tự từ phàm tới Thánh, từ sinh tử bước lên niết-bàn. - Trích Lời nói đầu