Vũ Kim Lộc không phải là một nhà nghiên cứu chuyên nghiệp, hàn lâm, nhưng xem cách anh thu thập và phân tích các nguồn tài liệu thành văn và hình ảnh; cách anh chọn lọc, xử lý thông tin từ các nguồn tài liệu này; cách anh phản biện ý kiến các học giả đi trước về vấn đề mà anh đang nghiên cứu; cách anh lý giải, đưa ra nhận định và đúc kết vấn đề liên quan đến chủ đề “Mặt trời - Hoa cúc”…, thì tôi thấy anh xứng đáng là một nhà “khảo cứu dân gian” đầy tâm huyết, trách nhiệm, luôn tìm tòi, phát hiện những vấn đề mới và đưa ra những kiến giải xác đáng liên quan đến lịch sử, mỹ thuật và văn hóa Việt Nam.
Cuốn sách này của anh Vũ Kim Lộc được phân thành 8 chương, mỗi chương là một “bảng tổng kết” về quá trình sử dụng hình tượng “Mặt trời - Hoa cúc” trong nghệ thuật trang trí của người Việt, từ thời Văn Lang - Âu Lạc, trải qua các triều đại Lý - Trần - Lê - Mạc - chúa Nguyễn – Tây Sơn, và sau cùng là vương triều Nguyễn, biến hình tượng này thành một biểu tượng của vương quyền trong suốt thời kỳ quân chủ ở nước ta.
Vũ Kim Lộc đã sử dụng nhiều thông tin, sử liệu, hình ảnh đặc sắc để soi chiếu và làm sáng tỏ quan điểm của mình, biến những cảm nhận có vẻ mơ hồ ban đầu trở thành những luận điểm nghiên cứu xác đáng, thuyết phục và có tính khoa học cao.
Tôi đã dành hai tháng để biên tập, hiệu chỉnh, bổ khuyết thông tin cho bản thảo cuốn sách "Mặt Trời Và Hoa Cúc - Biểu Tượng Vương Quyền Việt Nam". Và, dù có nhiều điểm, nhiều đoạn, nhiều ý kiến anh Vũ Kim Lộc trình bày trong sách, tôi chưa hoàn toàn tán đồng. Nhưng tôi đánh giá cao tính hợp lý và sự táo bạo của anh khi luận giải về việc sử dụng biểu tượng “Mặt trời - Hoa cúc” trong nền văn hóa - nghệ thuật Việt Nam trong hơn 2.000 năm qua.
Những lý giải của Vũ Kim Lộc về “Hoa cúc - Mặt trời” đã mang đến cho tôi những tri thức mới, hiểu biết mới về ý nghĩa và ảnh hưởng của biểu tượng này trong mỹ thuật, trang trí và kiến trúc Việt Nam thời quân chủ.
Những lý giải ấy đã “đính chính” những ngộ nhận về các biểu trưng của nền mỹ thuật cổ Việt Nam mà các nhà nghiên cứu tiền bối đã “định hình”, đồng thời tạo cảm hứng cho các thế hệ hậu bối “soi” lại những tri thức đã sở đắc, sẵn sàng cho hành trình “tái khám phá” văn hóa và di sản văn hóa Việt Nam.