Tuy “Sống Sâu” – Deep Living là một khái niệm sống còn khá mới nhưng ý nghĩa của nó thật rất rộng sâu và phản ánh cách chúng ta vận hành cuộc sống của mình trên nhiều khía cạnh khác nhau. Thông qua cuốn sách này, tác giả mượn Đạo để nói việc Đời, và cũng xin được đưa vào một số trích đoạn Kinh điển Phật giáo để làm phương tiện dẫn chứng với mong muốn giúp các bạn trẻ có được góc nhìn sâu hơn về mọi mặt của cuộc sống, để thấu, để ngộ, để có thể thành tựu một cuộc đời an nhiên, hạnh phúc, và sau cùng, có thể chứng đắc được Đạo quả ngay trong đời thường.
Cuốn sách này không chỉ dành riêng cho Phật tử mà độc giả thuộc những tôn giáo khác vẫn có thể chiêm nghiệm và áp dụng khái niệm Sống Sâu vào đời sống thông qua những thông điệp ngắn gọn mà thực tế trong cuốn sách này. Đạo Phật thực chất là Đạo của giáo dục hơn là một tôn giáo, người thuộc mọi tôn giáo có thể học và hành theo Chánh pháp mà vẫn giữ tín ngưỡng của mình. Các Ngài chung quy đều là các bậc Thầy đến đây với cùng một mục đích giáo hóa chúng ta bỏ ác làm lành, sống giữ giới luật và vượt thoát khổ đau, do đó chúng ta không cần phải phân biệt và chấp vào hình tướng, tên gọi của các tôn giáo.
Trích dẫn sách Sống Sâu
Có đôi lần các bạn trẻ hỏi tôi vì sao họ cố gắng rất nhiều mà công danh sự nghiệp của họ vẫn còn bất ổn.
Có lẽ chúng ta nên sống chậm lại một chút, như thể sống lại khoảng thời gian cách ly xã hội của thời đại dịch Covid một lần nữa, vì trong khoảng thời gian đó, chúng ta đã phải miễn cưỡng buông bỏ tất cả trong chốc lát. Thay vì mãi tìm kiếm ở bên ngoài, chúng ta hãy xoay vào bên trong mình, hãy tạm ngưng tất cả trong khoảng thời gian tối thiểu từ ba đến sáu tháng để chúng ta có cơ hội thiết lập lại chính mình. Chúng ta thật sự rất cần được chuyển hóa nghiệp lực, phát triển nội lực và nâng cao tần sóng năng lượng của mình. Một bản thể nếu không trải qua một khoảng thời gian nâng cấp, cải tiến, cập nhật cho phù hợp với năng lượng của vũ trụ hiện nay thì làm sao có thể trở thành một phiên bản tốt hơn so với phiên bản hiện tại được.
Chúng ta cứ lo sợ rằng nếu chúng ta dừng lại trong chốc lát, nếu chúng ta chậm lại sẽ bị thế giới tất bật này bỏ lại sau, nhưng thật ra bấy lâu nay chúng ta đã bị bỏ lại phía sau rồi.
Khi xoay vào bên trong, sẽ có bốn yếu tố chúng ta cần phải bồi dưỡng là: Thân – Tâm – Trí – Phước.
Để bồi dưỡng Thân, chúng ta cần phải gắn kết với một hoạt động thể chất nào đó. Thật khó có thể được gọi là khỏe mạnh nếu chúng ta không tham gia vào bất kì hoạt động thể chất nào, dù chỉ là hai đến ba lần mỗi tuần, mỗi buổi dù chỉ là 20 đến 30 phút. Chỉ trừ những người thực hành Reiki và những thiền sư đã đạt đến cảnh giới có thể thu nhận năng lượng từ vũ trụ trong lúc thiền định, còn lại chúng ta đều phải bắt thân tứ đại vận động thì mới có thể tích hợp được nhiều năng lượng sống. Hoạt động thể chất ở đây không phải là các công việc dọn dẹp nhà, đi chợ, nấu cơm, mà nên là một hoạt động có sự bài bản để nâng cao sức chịu đựng, điều khiển hơi thở và nhịp tim của chúng ta. Đó có thể là một môn thể thao nào đó hoặc tập luyện ở phòng gym nếu bạn có điều kiện. Người tu tập như tôi sẽ muốn rời xa những nơi náo nhiệt và không muốn phụ thuộc vào các dụng cụ, nên cách đây vài năm tôi đã quyết định hủy thẻ thành viên ở Fitness Club và bán luôn set Golf của mình. Khí công, yoga, chạy bộ trong thiền định có thể sẽ không phù hợp với bạn, nhưng chúng quả thật đem đến cho tôi vừa sức khỏe vừa cảm giác an lạc và cả sự tự do không ràng buộc. Tôi có thể tập luyện vào bất cứ giờ nào, 5 giờ sáng cũng được, 5 giờ chiều cũng được, và không cần dụng cụ. Ngoài ra việc chạy bộ vào lúc sáng sớm còn tặng thêm cho bạn cơ hội tận hưởng thiên nhiên trong lành và Mặt trời mọc đỏ thắm ấm áp đầy năng lượng. Những người cao tuổi hoặc thích nhẹ nhàng hơn thì có thể chọn kinh hành, kinh hành là đi dạo hoặc tản bộ trong trạng thái chánh niệm, an lạc trong mỗi bước đi của mình.
Mục lục sách Sống Sâu
- Ước mơ
- Quản lý cuộc đời
- Bước ngoặt cuộc đời
- Buông bỏ
- Vô thường
- Sống sâu
- Biết đủ
- Nhân quả
- Luân hồi
- Nghịch cảnh
- Lý do để sống
- Sống thực tế
- Đời – Đạo song toàn
- Tế lễ
- Cầu nguyện
- Vô minh
- Ngũ dục
- Ăn chay
- Cho đi
- Chánh mạng
- Tinh tấn
- Thiền định
- Kham nhẫn
- 7 thần chú
- Dính mắc
- Hôn nhân và con cái
- Tam phước