"Bút ký là thể loại không nhiều nhà văn Việt Nam chọn lựa. Thành danh trong thể loại này ở Việt Nam có thể đếm trên đầu ngón tay. Trong ít ỏi “ngón tay” ấy có Võ Đắc Danh.
Bút ký của Võ Đắc Danh còn có thêm một chọn lựa ngoài văn chương đấy là lòng can đảm, những đề tài anh chọn lựa, đối tượng anh chọn lựa, bối cảnh xã hội anh chọn lựa, sự thật người cầm bút muốn tìm nếu thiếu đi lòng cam đảm thì không thể. Không thể viết ra. Không thể đi tìm. Thiếu đi lòng can đảm thì đi tìm không ra hay đúng hơn chỉ là một nửa sự thật.
Nhân vật của Võ Đắc Danh thường là nông dân, thị dân loại 3 đô thị số phận của họ là đất đai, ruộng vườn hay một nơi cư trú cho cuộc đời vất vả của gia đình, con cái mình. Nó là số phận cũng là mưu sinh cuộc sống. Nó không an cư thì không lạc nghiệp...
Ghi chép về số phận là thái độ sẽ phải chọn lựa của người cầm bút bao nhiêu phần trăm là sự thật? Sự thật là phải chạm mặt cường quyền. Can đảm hay không chính là sự chọn lựa của người cầm bút. Võ Đắc Danh đã định danh mình sau 40 năm cầm bút: Can đảm!"
Đỗ Trung Quân
[...]
"Chúng ta – những người cầm bút – bị vướng phải thói quen sợ hãi nên luôn có sẵn cây kéo trong đầu khi ngồi trước trang viết của mình, chúng ta luôn tự đặt mình trong trạng thái sợ hãi để tự cắt, tự gò mình từng câu từng chữ, luôn thấy một thế lực vô hình nào đó ám ảnh trong đầu.
Tôi từng bị ai đó nghi ngờ, thậm chí bị quy chụp là một tên “phản động”, nhưng tôi không buồn, không trách, tôi chỉ ngẫm cười cảm thông với họ, cảm thông với một cách nhìn, cách nghĩ của một kiểu tư duy. Bởi khi một xã hội luôn thiếu sự phản biện nên người ta dễ nhầm lẫn giữa phản biện và phản động, giữa phản đối và chống đối. Tôi nghĩ, người cầm bút khác với con vẹt là ở chỗ biết phản đối, biết nói thay tiếng nói của người dân về những điều nghịch lý, hoặc những quyết sách đi ngược lại với quyền lợi và nguyện vọng chính đáng của họ, xâm phạm, tổn thương đến đời sống của họ."
Võ Đắc Danh