Trong tất cả các tác phẩm của Kawabata Yasunari, Người đẹp ngủ mê là tiểu thuyết đẫm cảm thức u huyền nhất. Nó thuộc về nền “Văn chương của cái bóng” trong văn học Nhật Bản thế kỷ hai mươi mà có lẽ mở đầu với tác giả Izumi Kyoka.
Ngay từ chương đầu, cái bóng tối lung linh đó đã hé lộ: “Những tấm màn nhung màu đỏ thẫm. Màu đỏ trông thẫm hơn trong cái ánh sáng lờ mờ. Như thể có một vừng sáng mỏng lơ lửng trước các màn, như thể ông bước vào một thế giới ma quái. Màn che cả bốn bức tường. Cánh cửa thông cũng được che màn… Ông khóa cửa, vén màn, và nhìn xuống cô gái… Eguchi nín thở: nàng đẹp quá, đẹp hơn ông tưởng…”
Ông già Eguchi đến ngôi nhà có người đẹp ngủ mê chờ đợi. Ông lần lượt “gặp” những tấm thân ngà ngọc phô bày trước mắt mình vô ý thức vì đang say giấc nồng. Lần cuối cùng ông nằm với hai cô gái như vậy. Ông gặp cái chết đến với một cô gái đang ngủ.
Đó là ngôi nhà của những nhan sắc thanh xuân bí ẩn cũng như của những cái chết bí ẩn. Một người bạn già của Eguchi cũng đã chết ở đây vào một đêm đến chơi.
Đó là trò chơi của thanh xuân, của cái già và cái chết.
Đó là bi cảm của cái đẹp và cái chết.
Thông tin tác giả
Sinh ngày 14.6.1899, là tiểu thuyết gia người Nhật Bản đầu tiên và là người châu Á thứ ba đoạt giải Nobel Văn chương. Những sáng tác văn chương, những tiểu luận mỹ học và phê bình văn học của Kawabata Yasunari, qua thời gian vẫn luôn đem lại hấp lực mạnh mẽ đối với nhiều nhà phương Đông học trên khắp các châu lục, có sức lôi cuốn rộng rãi độc giả trên thế giới, phản ảnh nhiều phương diện của văn hóa cũng như những rung cảm đầy đam mê mà tinh tế của tâm hồn Nhật Bản.
Bên cạnh viết văn, Kawabata còn làm phóng viên cho một số tờ báo. Mặc dù đã từ chối tham gia vào sự hăng hái quân phiệt trong Thế chiến II, ông cũng thờ ơ với những cải cách chính trị của Nhật Bản sau chiến tranh, nhưng rõ ràng chiến tranh có ảnh hưởng lớn lao đối với ông (cùng với cái chết của cả gia đình khi ông còn trẻ). Sau đó, ông nói rằng kể từ đó ông chỉ còn khả năng viết những tác phẩm bi ca mà thôi.
Năm 1972, Kawabata tự tử bằng khí đốt. Nhiều giả thuyết đã được đưa ra: sức khoẻ kém, cuộc tình bị cấm đoán, sốc do vụ tự tử của người bạn văn năm 1970. Kawabata không để lại thư tuyệt mệnh, các tác phẩm của ông cũng không có manh mối gì, nên đến nay không ai biết được nguyên nhân thật sự của cái chết đó.
Trong diễn văn của Viện Hàn lâm Thụy Điển khi trao giải Nobel Văn chương cho ông vào năm 1968, đã tôn vinh Kawabata: “Ông là người tôn vinh cái đẹp hư ảo và hình ảnh u uẩn của hiện hữu trong đời sống thiên nhiên và trong định mệnh con người.”
Tác phẩm tiêu biểu
- Lễ chiêu hồn (1921)
- Vũ nữ Izu (1926)
- Xứ tuyết (1947)
- Ngàn cánh hạc (1952),...