Người Tối Giản sẽ truyền cảm hứng cho bạn trẻ vận dụng phong cách sống tối giản và tư duy tối giản như một công cụ hữu hiệu để giải phóng bản thân khỏi những kẻ mang tên Bộn Bề. Điểm đích mà tác giả muốn trỏ đến đó là sự tự do về tinh thần. Việc hướng về một phong cách sống tối giản và rèn luyện tư duy tối giản không chỉ giúp bạn thoát khỏi những áp lực về công việc, những lo toan về tài chính, mà còn giúp bạn tận hưởng từng giây, từng phút của cuộc sống này.
Tác giả Phạm Quỳnh Giang không chỉ coi lối sống tối giản là việc bạn có bao nhiều đồ đạc, những vật hiện thân bên ngoài mà cô tìm đến việc nắm bắt cái thần thái của những người tối giản _ một sự tự do tuyệt đối từ chính bên trong bản thân mỗi con người, “đó là những người có một cái tâm tĩnh lặng, một cái đầu biết tư duy mạch lạc về những thứ mình cần, và một đôi tay dám vứt bỏ những thứ thừa thãi trong cuộc sống của mình. Từ tư duy ấy mới khiến không gian sống của người tối giản không thể tinh gọn hơn và họ không còn sợ mất bất cứ điều gì, không còn bị ràng buộc vào bất cứ điều gì. Nói cách khác, đó là những con người tự do, tự do tuyệt đối.”
Trích đoạn nội dung sách Người Tối Giản
Còn trong cuốn sách Người tối giản này, bạn sẽ thấy tôi tiếp cận theo một cách hoàn toàn khác, trong đó nghiêng nhiều về tối giản hơn là tối thiểu, và nghiêng nhiều về mặt tinh thần bên trong (tư duy tối giản) hơn là mặt biểu hiện bên ngoài (lối sống tối giản). Trong hình dung của tôi, tinh thần cơ bản nhất của tư duy tối giản là đặt sinh mệnh con người vào vị trí trung tâm, xem sinh mệnh con người là một khởi điểm đẹp đẽ nhất, một sự “tối thiểu hóa” hay “tối giản hóa” hoàn hảo nhất. Ở trạng thái ấy, chúng ta sẽ cảm nhận được sự hòa hợp tuyệt đối với vũ trụ. Mà để làm được điều này, cần loại bỏ dần những dấu ấn xã hội trong tâm trí của chúng ta.
Tóm lại, các cuốn sách nói về chủ nghĩa tối giản cho đến nay hầu như tiếp cận từ bên ngoài vào, tức là dọn dẹp căn phòng ngoài đời thực. Còn cuốn sách này của tôi tiếp cận từ bên trong ra, tức là dọn dẹp căn phòng trong tâm trí. Người Tối Giản trong cuốn sách này không phải là người theo lối sống tối giản, mà là người có tư duy tối giản. Với cách tiếp cận này, chúng ta có thể tìm đến “cảnh giới” của bức tranh xanh lè và cục đá hình chữ C như tôi đã nói ở trên mà không phải buông bỏ hết vật chất, không phải ngừng kiếm tiền và sống khổ hạnh như các nhà sư. Bởi vì sao? Vì lối sống tối giản chỉ là một sợi dây để vươn đến tư duy tối giản. Tức là sao? Xin mời đọc tiếp!