Tiền sạch là tiền đi liền với một mục tiêu không vị kỷ. Tiền khiến thế giới trở nên tốt đẹp hơn. Tiền giúp tái tạo hệ sinh thái, đồng thời kiến tạo một sự cân bằng lành mạnh giữa con người và hành tinh. Tiền giúp xây dựng an ninh đích thực: khả năng phục hồi hợp lý, an toàn, và lâu dài.
Tiền sạch là một cuộc cách mạng và là một cuộc tiến hoá. Nó mở rộng góc nhìn về tài chính của chúng ta, chứ không chỉ giới hạn trong số dư tài khoản ngân hàng, giá trị tài sản ròng hay tên của công ty mà bạn sở hữu cổ phiếu nữa. Tiền sạch suy xét kỹ càng về việc các nguyên vật liệu đến từ đâu, ai lắp ráp chúng, và quá trình đó công bằng hay bất công, có tính tái tạo hay phá huỷ. Nhưng tiền không thay thế được công bằng, công lý, vẻ đẹp, ý thức, hay tình yêu. Đó là vai trò của chúng ta và việc chúng ta đảm nhận nó đang ngày càng trở nên thiết yếu hơn bao giờ hết.
Cuốn sách Cuộc cách mạng tiền sạch của hai tác giả Joel Solomon cùng Tyee Bridge là một nỗ lực nhỏ, một phần của một phong trào mới nổi, nhằm bắt đầu đưa ra những phân biệt trọng yếu về “cách của cải được làm ra và sử dụng trên Thế giới”.
“Cuộc cách mạng tiền sạch là cuốn sách cần thiết cho những ai hướng tới mục tiêu vì một hành tinh khỏe mạnh và hạnh phúc hơn” – Publishers Weekly
Mục lục sách Cuộc Cách Mạng Tiền Sạch
- Lời nói đầu
- Lời tựa của Joel Solomon
- Lời tựa của Tyee Bridge
- Giới thiệu: Câu hỏi 100 nghìn tỷ đô-la
- Một thời đại toàn năng
- Cuộc hành trình tìm kiếm mục đích
- Những khám phá ở rìa
- Nashville vẫy gọi
- Xứ sở trong gương
- Cỗ máy kể chuyện
- Cởi trói hoạt động từ thiện
- Sự nổi lên của tiền sạch
- Lãnh đạo tiến hóa
- Câu hỏi 100 nghìn tỷ đô-la
Trích đoạn sách Cuộc Cách Mạng Tiền Sạch
Câu hỏi 100 nghìn tỷ đô-la
Ở hai quốc gia được xem xét trong cuốn sách này, Canada và Mỹ, có khoảng gần 70 triệu người sống sung túc1. Những gia đình này sẽ giao lại từ 30 đến 50 nghìn tỷ đô-la cho thế hệ kế tục. Tính trên toàn thế giới thì tổng số tiền được chuyển giao lên đến gần 100 nghìn tỷ đô-la.
Liệu những của cải này sẽ được sử dụng để tiếp tục bóc lột người nghèo và phá hoại hành tinh hay chúng sẽ được sử dụng để tạo ra một tương lai tiền sạch và một nền văn minh có khả năng phục hồi?
Chúng ta đủ thông minh để lựa chọn và bước đi thành công trên con đường thứ hai. Hệ thống dân chủ tư bản đã chạm đến giới hạn của nó. Giờ nó phải được cải cách. Chúng ta có thể chuyển tư duy của mình sang việc sống thông minh và đẹp đẽ trong những giới hạn của Trái đất. Cùng tồn tại với nhau, với những sinh vật hoang dã và với hệ sinh thái. Chúng ta có thể tìm thấy niềm vui và ý nghĩa ở bên ngoài sự tiêu dùng vô độ. Thứ của cải duy trì sự bất công có thể là thứ của cải chuyển hóa thế giới.
Trong ba thập kỷ tiếp theo, tôi đề xuất chúng ta chuyển 100 nghìn tỷ đó từ những mục đích sai lệch và phá hoại sang những mục đích tái tạo. Chúng ta nhất thiết phải làm vậy để bảo đảm sẽ hạ cánh êm ái vào năm 2050. (Trong chương 10, tôi đặt ra một vài con số biểu tượng theo từng khu vực để kích thích sự thảo luận.) Khi chọn con đường tốt đẹp hơn, chúng ta sẽ mở khóa những cơ hội kinh tế vô cùng lớn. Điều này sẽ tăng tốc cái đà mà lúc này đã được tạo rất tốt.