Làm điều nhân do mình, chứ đâu phải do người khác.
(Vi nhân do kỉ, nhi do nhân hồ tai.)
Luận ngữ Khổng Tử
Từ “Nhân” có nghĩa là nhân từ, tốt bụng, đạo đức nhưng Hán tự của nó lại hàm chứa ý niệm sâu sắc về mối liên hệ giữa con người và cuộc sống. Chữ Hán “Nhân” 仁 được cấu thành từ hai phần, bộ “Nhân” 亻liên quan đến con người và chữ “Nhị” 二 là số hai, ám chỉ hai người hoặc sự kết nối giữa người với người. Ký tự nhị 二 cũng có thể được hiểu một cách trực quan là đang ám chỉ trời (dòng trên) và đất (dòng dưới), có thể coi như bao hàm cả thế giới. Kết hợp cả hai cách hiểu, Nhân 仁 đại diện cho sự chung sống hòa hợp của con người với nhau và với thế giới.
Với Nhân - Nghệ thuật đối đãi vị nhân sinh, chúng ta có cơ hội tìm về cội nguồn của phẩm chất Nhân - yếu tố tiên quyết tạo nên điểm hòa hợp cân bằng giữa con người với thế giới nội tại và thế giới xung quanh, qua những câu chuyện kể của Yen Ooi và các bức tranh màu kỳ thú.
Soi chiếu dưới góc nhìn nhân sinh của Khổng Tử, cuốn sách dạy ta cách khám phá sợi dây kết nối tốt hơn với gia đình, xã hội; cách lên tiếng và giảng hòa với mọi cảm xúc tiêu cực; cách lắng nghe cả cơ thể lẫn tâm trí và cho phép chúng ta tử tế với chính mình. Những minh triết xa xưa của bậc cổ nhân lại là kim chỉ nam cho lối sống hiện đại để ta biết kiên nhẫn với bản thân và ân cần hơn với thế giới.
Hy vọng, sau khi đã thuần thục Nhân, chúng ta có thể mỉm cười thật nhiều với những khoảnh khắc an yên, đủ đầy và hạnh phúc.