Phần V - Thời kỳ Phục hưng, Will Durant phân tích vai trò then chốt của nước Ý trong quá trình tạo xúc tác phát triển văn hóa và trí tuệ của thời kỳ này. Nước Ý đã trở thành một nhánh rễ chính cho sự phát triển thời kỳ Phục hưng, trong đó những thành phố của nó, như Florence, Venice và Rome, là những trung tâm hoạt động nghệ thuật và trí tuệ. Không chỉ phát triển rực rỡ về nghệ thuật, khoa học, nước Ý cũng được coi là nơi khởi nguồn ra chủ nghĩa tư bản, khi họ đi tiên phong trong các hình thức ngân hàng, thương mại để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cho phép tích lũy của cải.
Di sản quan trọng của nước Ý vào lịch sử thế giới trong thời kỳ Phục hưng, là nơi hội tụ tâm văn hóa và tri thức. Các nghệ sĩ, nhà văn và nhà tư tưởng người Ý đã cách mạng hóa nghệ thuật và khoa học, khám phá lại di sản cổ điển của Hy Lạp và La Mã, đồng thời truyền cho nó sức sống mới và phù hợp với thời đại của họ. Leonardo da Vinci, Michelangelo, Raphael và các nghệ sĩ người Ý khác đã tạo ra một số tác phẩm nghệ thuật lâu dài và có ảnh hưởng nhất trong lịch sử nhân loại, trong khi các nhà nhân văn và triết học người Ý như Petrarch và Machiavelli đã giúp định hình thế giới quan hiện đại.
Dưới ngòi bút uyên bác của Durant, thời kỳ Phục hưng khắc họa chiến thắng của lý trí và chủ nghĩa nhân văn đối với thế giới siêu nhiên và “Thuyết huyền bí" và chiến thắng này đã giành được ở Ý. Các nhà tư tưởng và nghệ sĩ người Ý đã tạo tiền đề cho kỷ nguyên hiện đại, với sự nhấn mạnh vào chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa thế tục và nghiên cứu khoa học, đồng thời mở đường cho những biến đổi văn hóa và trí tuệ rộng lớn của nhân loại.
Phần V: “Thời kỳ Phục hưng” của Bộ sách Lịch sử văn minh Thế giới (gồm 11 phần) được chia thành 03 tập sách:
- Tập 1: Thời phục hưng - Bình Minh
- Tập 2: Thời Phục hưng - Chính Ngọ
- Tập 3: Thời Phục hưng - Hoàng Hôn
1. Tập 1: Thời phục hưng - Bình Minh
... Ở Ý mọi nẻo đường đều dẫn đến thời kỳ Phục hưng. (trích Trang 77)
“Sự phân mảnh của nước Ý giúp mở ra thời kỳ Phục hưng. Những nhà nước lớn cổ súy trật tự và quyền lực hơn là tự do hay nghệ thuật. Sự kình địch thương mại giữa các thành phố Ý đã khởi sự và hoàn tất công cuộc thập tự chinh phát triển kinh tế và thịnh vượng của nước Ý. Sự đa dạng của các trung tâm chính trị gia tăng gấp bội những xung đột giữa các thành phố, nhưng những mâu thuẫn khiêm tốn này không khi nào tới mức độ chết chóc và hủy diệt như đã thấy ở Pháp do Cuộc chiến Trăm năm. Sự độc lập địa phương làm suy yếu khả năng tự vệ của nước Ý trước sự xâm lược ngoại bang, nhưng nó tạo ra một cuộc cạnh tranh cao thượng của các thành phố và hoàng thân trong bảo trợ văn hóa, trong quyết tâm trở nên trỗi vượt về kiến trúc, điêu khắc, hội họa, giáo dục, học thuật, và thi ca. Nước Ý thời Phục hưng, giống như nước Đức của Goethe, có nhiều Paris.” (trích Trang 74)
2. Tập 2: Thời Phục hưng - Chính Ngọ
“Trí tuệ được trả tự do bay nhảy khoái hoạt trên mọi lĩnh vực ngoại trừ khoa học; sự hồ hởi sôi nổi lúc bấy giờ khó mà hòa hợp với kỷ luật thực nghiệm và nghiên cứu kiên nhẫn; điều đó sẽ đến trong hệ quả có tính xây dựng của cuộc giải phóng. Trong khi đó, giữa những người có học thức với nhau, lòng mộ đạo đã nhường chỗ cho sự sùng bái trí tuệ và thiên tài; niềm tin vào sự bất tử đã bị giảm thiểu thành cuộc truy cầu danh vọng trường cửu. Những quan niệm ngoại giáo như Vận mệnh, Nghiệp quả, và Tự nhiên đã lấn lướt ý niệm về Thiên Chúa của người Kitô. Một cái giá đã phải trả cho tất cả việc này. Sự trao quyền hạn to lớn cho tâm trí đã vô hiệu hóa uy quyền trừng phạt siêu nhiên của luân lý, và chưa có cái gì được tìm thấy để thay thế chúng một cách hiệu quả. Hệ lụy là sự khước từ tiết chế, là sự hoành hành của bốc đồng và ham muốn, là không khí ngút trời trụy lạc mà lịch sử chưa từng biết tới từ khi những nhà ngụy biện đập tan những thần thoại, giải phóng tâm trí, và buông lỏng cương thường đạo lý, của người Hy Lạp cổ đại.” (trích Trang 242)
3. Tập 3: Thời Phục hưng - Hoàng Hôn
"Trong một thời gian những sự căng thẳng của Cải cách và Phản cải cách, những tranh luận thần học và những cuộc chiến tranh tôn giáo, đã che phủ và lấn át ảnh hưởng của thời Phục hưng; con người tranh đấu qua một thế kỷ đẫm máu vì quyền tự do tin và phụng thờ theo ý họ, hoặc theo ý quân vương họ; và tiếng nói của lý trí dường như vẫn câm lặng bởi sự va chạm của những đức tin thượng võ. Nhưng nó không câm lặng hoàn toàn; ngay cả trong cõi hiu quạnh thê lương ấy những người như Erasmus, Bacon, và Descartes đã nhắc lại nó một cách lẫm liệt, cho nó sự giãi bày mới mẻ và hùng hồn hơn nữa; Spinoza đã tìm thấy cho nó một phát biểu tráng lệ; và trong thế kỷ mười tám tinh thần của thời Phục hưng Ý đã tái sinh trong nước Pháp Khai minh. Từ Voltaire và Gibbon tới Goethe và Heine, tới Hugo và Flaubert, tới Taine và Anatole France, chiều hướng còn tiếp tục, qua cách mạng và phản cách mạng, qua tiến bộ và phản động, bằng cách nào đó sống sót qua chiến tranh, và kiên gan làm cao cả nền hòa bình. Khắp mọi nơi ngày nay ở châu u và châu Mỹ có những tinh thần cao nhã và đầy khí lực - những đồng chí trong Xứ miền của trí tuệ - những người được nuôi dưỡng và sống nhờ di sản của tự do tinh thần, nhuệ cảm thẩm mỹ, sự cảm thông thân thiện và thấu hiểu này; thứ tha cho đời sống về những thảm kịch của nó, tận hưởng những niềm hân hoan của giác quan, trí tuệ, và tâm hồn; và lắng nghe luôn mãi trong trái tim mình, giữa những khúc ca của phẫn hận và bên trên tiếng gầm rống của đại bác, bài ca của thời Phục hưng." ( trích Trang 396 - 397)