Luật và xã hội Việt Nam thế kỷ XVII-XVIII là một công trình nghiên cứu khoa học sâu sắc và có giá trị về cấu trúc gia đình truyền thống Việt Nam trong mối quan hệ giữa gia đình với làng và Nhà nước – pháp luật.
Căn cứ khoa học chủ yếu của tác giả là bộ Quốc triều hình luật hay Bộ Luật Hồng Đức, một bộ luật hoàn chỉnh và còn được bảo tồn nguyên vẹn cho đến nay. Bộ luật được xây dựng trong thời Lê sơ, từ triều vua Lê Thái Tổ đến triều vua Lê Thánh Tông và được thực thi cho đến thế kỷ XVII-XVIII, với một số bổ sung và điều chỉnh nhất định. Tác giả đã xác định một hướng nghiên cứu rất cơ bản và đúng đắn là muốn hiểu bản chất xã hội truyền thống Việt Nam phải bắt đầu từ nghiên cứu cấu trúc gia đình. Tác giả nghiên cứu cấu trúc gia đình trong mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, nhất là giữa cha mẹ và con cái, trong mối quan hệ về sở hữu tài sản và quyền thừa kế. Từ gia đình, tác giả mở rộng nghiên cứu những mối quan hệ phức tạp với làng và Nhà nước để khám phá những đặc điểm của xã hội truyền thống Việt Nam trong mối ảnh hưởng và tác động qua lại giữa Nhà nước, pháp luật, hệ tư tưởng Nho giáo với sức sống bền bỉ của truyền thống gắn liền với phong tục, tập quán lâu đời của nhân dân. Mối quan hệ nhà-làng-nước đó chính là hệ thống cấu trúc nền tảng của xã hội Việt Nam truyền thống.
Mục lục sách Luật Và Xã Hội Việt Nam Thế Kỷ XVII - XVIII
- Mở đầu
- Phần I - Pháp luật và chính trị của Việt Nam dưới triều Lê
- 1. Sự tiến triển của pháp luật dưới triều Lê
- 2. Bộ luật nhà Lê
- Phần II - Cấu trúc gia đình và phong tục Việt Nam
- 3. Mối quan hệ vợ chồng
- 4. Mối quan hệ cha mẹ - con cái
- 5. Quyền sở hữu và quyền thừa kế tài sản
- Phần III - Gia đình, làng và nhà nước
- 6. Gia đình và làng
- 7. Gia đình và Nhà nước