Tại một cánh rừng rậm rạp, nơi cái đói và giá lạnh khủng khiếp ngự trị, có hai vợ chồng tiều phu nghèo sinh sống. Tuổi tác càng lớn, bà tiều phu càng mong mỏi có một mụn con, là điều bà vẫn ngày ngày cầu xin thần linh chốn rừng già. Cũng tại nơi ấy, một tuyến đường độc đạo cắt qua chở theo chuyến “tàu hàng” mang đến niềm vui và sự mong chờ duy nhất cho cuộc sống đơn điệu của bà. Bỗng một ngày như bao ngày khác, chuyến tàu giấc mơ ban cho bà một “món hàng quý giá” – một đứa trẻ được bọc trong chiếc khăn san xa xỉ và đẹp nhất mà bà từng thấy.
Món hàng quý giá nhất là câu chuyện đầy nhân văn. Giữa khung cảnh buồn thảm của cánh rừng cùng sự tàn khốc của chiến tranh, niềm hy vọng vào tương lai và tình cảm gia đình ấm áp đã hiện diện xuyên suốt tác phẩm. “Đó là điều duy nhất xứng đáng tồn tại trong những câu chuyện cũng như trong đời thực. Tình yêu, tình yêu dành cho những đứa con, của mình cũng như của người khác [...] tình yêu khiến cho cuộc sống được tiếp diễn.”
Tác phẩm đã nhận giải Sách hay dành cho độc giả do L’express/BFMTV tổ chức, giải đặc biệt của hội đồng Prix des libraires (Hiệp hội các nhà sách của Pháp), được chuyển thể để lên sân khấu kịch.