Trái Đất không còn lục địa nào mới để khám phá, và hành trình thám hiểm được mở rộng lên vũ trụ. Con người đã bước đi trên Mặt Trăng; các tàu vũ trụ không người lái đã truyền về hình ảnh của các hành tinh; và một số người có thể sẽ đặt chân lên Sao Hỏa một ngày nào đó.
Các ngôi sao cố định trên “vòm trời” vốn là một bí ẩn đối với người xưa. Ngày nay chúng vẫn xa xôi diệu vợi, nhưng ta biết rằng có nhiều sao còn sáng hơn cả Mặt Trời. Trong thập kỷ vừa qua, một điều đáng chú ý mà con người ngờ ngợ từ lâu đã được làm sáng tỏ: nhiều sao có các hành tinh quay quanh giống như Mặt Trời. Số lượng các hệ hành tinh mà ta biết đã lên đến hàng trăm, tổng số hệ hành tinh trong thiên hà này có thể lên đến một tỷ. Liệu có hành tinh nào trong số này giống Trái Đất, là bến đỗ cho sự sống? Thậm chí là sự sống có trí tuệ? Mọi ngôi sao quan sát được bằng mắt thường đều nằm trong thiên hà của chúng ta. Đó là một cấu trúc rộng lớn đến mức ánh sáng phải mất một trăm ngàn năm để xuyên qua. Nhưng thiên hà mang tên Ngân Hà này chỉ là một trong hàng tỷ thiên hà mà những kính thiên văn lớn quan sát được. Những thiên hà này đang bị đẩy ra xa nhau, như thể tất cả đều đến từ một “vụ nổ lớn” vào 13 hay 14 tỷ năm trước. Nhưng chúng ta không biết cái gì đã nổ và tại sao nó lại nổ.
Vẻ đẹp của bầu trời đêm là trải nghiệm mà người dân ở mọi nền văn hóa đều có và cũng là thứ mà tất cả các thế hệ loài người đã chia sẻ với nhau từ thời tiền sử. Nhận thức hiện đại của chúng ta về “môi trường vũ trụ” thậm chí còn lớn hơn. Ngày nay, các nhà thiên văn đặt Trái Đất trong một khung cảnh tầm vũ trụ. Họ muốn biết cách mà vũ trụ trở nên phức tạp như vậy: những thiên hà, sao và hành tinh đầu tiên hình thành ra sao và làm thế nào mà trên ít nhất một hành tinh, các nguyên tử đã kết hợp thành những tạo vật biết suy tư về nguồn gốc của mình. Cuốn sách này đặt các quan niệm về vũ trụ của loài người trong hoàn cảnh lịch sử của nó và trình bày các khám phá cũng như lý thuyết mới nhất. Nó cũng là “cẩm nang thực địa” về vũ trụ: nó sẽ khai sáng và kích thích bất kỳ ai nhìn lên những vì sao với suy tư và mong muốn hiểu rõ hơn về chúng.
Bố cục chính của Thuyết minh trực quan nhất về Vũ trụ. Cuốn sách này được chia thành ba phần chính.
- Phần GIỚI THIỆU bao quát các khái niệm cơ bản của thiên văn học. Được chia ra làm ba tiểu mục. VŨ TRỤ LÀ GÌ? xem xét các loại vật thể khác nhau trong vũ trụ, các lực chi phối hành vi và tương tác của chúng. KHỞI ĐẦU VÀ KẾT THÚC CỦA VŨ TRỤ nói về nguồn gốc và lịch sử của vũ trụ, trong khi GÓC NHÌN TỪ TRÁI ĐẤT giải thích những gì chúng ta thấy khi nhìn lên bầu trời.
- Phần CẨM NANG KHÁM PHÁ VŨ TRỤ xem xét Hệ Mặt Trời, Ngân Hà (thiên hà của chúng ta) và các vùng không gian xa hơn nữa. Nó được chia thành ba tiểu mục, bao quát Hệ Mặt Trời, Ngân Hà và bên ngoài Ngân Hà. Trong mỗi tiểu mục, trang giới thiệu sẽ mô tả các vật thể một cách tổng quát và giải thích các quá trình đằng sau sự hình thành của chúng. Tiếp theo những trang này thường là hồ sơ chi tiết của từng vật thể (ví dụ như các sao đơn), thường sắp xếp theo thứ tự xa dần từ Trái Đất.
- Cuối cùng, phần BẦU TRỜI ĐÊM là cẩm nang chiêm ngưỡng bầu trời dành cho các nhà quan sát nghiệp dư. Được chia thành hai tiểu mục. Tiểu mục thứ nhất (CÁC CHÒM SAO) là bản chỉ dẫn cho 88 vùng trời được các nhà thiên văn phân định. Nó gồm hồ sơ minh họa của tất cả các chòm sao, sắp xếp theo vị trí trên bầu trời, từ các chòm xa nhất về phía Bắc tới các chòm xa nhất về phía nam. Tiểu mục thứ hai (CHỈ DẪN QUAN SÁT BẦU TRỜI THEO THÁNG) tóm tắt những điểm nổi bật trong từng tháng, các bản đồ sao chi tiết và bản đồ về vị trí các hành tinh.