Ông Bà Will và Ariel Durant là đồng tác giả Phần sách THỜI ĐẠI LÝ TRÍ KHỞI ĐẦU - Phần VII trong bộ sách Lịch sử văn minh thế giới gồm 11 phần. Bối cảnh của Phần VII là một giai đoạn quan trọng trong lịch sử của nền văn minh châu Âu từ 1558 đến 1648 – thời đại sinh ra những thiên tài như Shakespeare, Bacon, Montaigne, Rembrandt, Galileo và Descartes.
Trong Phần VII - Thời đại lý trí khởi đầu, Will & Ariel Durant tập hợp các câu chuyện lịch sử lôi cuốn và hấp dẫn kể về con đường gập ghềnh hướng tới sự Khai sáng.
Đây là thời đại của những vị nhà trị vì hùng mạnh và những nghệ sĩ kiệt xuất của mọi thời đại (một bên là Elizabeth đệ nhất của Anh, Philip II của Tây Ban Nha & Henry IV của Pháp; và một bên là những Shakespeare, Cervantes, Montaigne & Rembrandt). Giai đoạn này cũng được tỏa sáng khi xuất hiện những tinh tú triết học và khoa học hiện đại như Bacon, Galileo, Giordano Bruno & Descartes.
Đây cũng là một thời đại bạo lực tột độ, thời điểm mà cả châu Âu bị lôi kéo vào Cuộc Chiến tranh Ba Mươi Năm khủng khiếp – đây là cuộc chiến về tôn giáo và quyền lực mà về quy mô và mức độ tàn khốc có thể khiến người ta so sánh nó như một cuộc chiến tranh thế giới thứ 1. Tất cả câu chuyện lịch sử, văn hóa trong Phần VII này sẽ đem đến cho chúng ta những cảm xúc mạnh mẽ, những suy tư sâu sắc và cũng là những bài học đầy ý nghĩa.
Phần VII của Bộ sách: “Thời đại lý trí khởi đầu” được chia thành ba Tập sách:
- Thời huy hoàng của nước Anh
- Chiến tranh tôn giáo
- Sự thăng trầm của Tây Ban Nha và những bước ngập ngừng của lý trí.
1. Thời huy hoàng của nước Anh
Chính việc cày xới những ý tưởng cũ, việc giải phóng tâm trí để không ngừng thốt lên những hy vọng và ước mơ mới, đã khiến nước Anh thời Elizabeth trở nên đáng nhớ. Chúng ta sẽ quan tâm gì đến những đối đầu chính trị, tranh chấp tôn giáo, chiến công, cơn khát vàng của nó, nếu như văn học của nó, chỉ giới hạn trong những thứ phù du này, đã không nói lên được những khao khát, do dự, và quyết tâm của những tâm hồn biết suy nghĩ trong mọi thời đại? Tất cả những ảnh hưởng của thời kỳ kích động đó đã đến với cơn ngất ngây của thời Elizabeth: những chuyến viễn du chinh phục và khám phá vốn đã mở rộng địa cầu, thị trường, và tâm trí; sự giàu có của các tầng lớp trung lưu mở rộng phạm vi và mục tiêu của hoạt động kinh doanh; sự mặc khải của văn học và nghệ thuật ngoại giáo; sự biến động của cuộc Cải cách; sự bác bỏ ảnh hưởng của giáo hoàng ở Anh; các cuộc tranh luận thần học vốn vô tình đưa con người từ giáo điều sang lý trí; giáo dục và khách thưởng ngoạn đông hơn cho sách và kịch; nền hòa bình lâu dài và có lợi, và sau đó là thách thức gây thức tỉnh và chiến thắng đầy phấn khích trước Tây Ban Nha; đỉnh cao của niềm tin vào sức mạnh và tư tưởng của con người: tất cả những điều này là những lực kích thích thúc đẩy nước Anh trở nên vĩ đại, chúng là những mầm mống vốn khiến nó trở nên vĩ đại với Shakespeare. Giờ đây, sau gần hai thế kỷ im lặng kể từ Chaucer, nó bùng nổ thành một đam mê đối với văn xuôi và thi ca, kịch và triết học, và dũng cảm nói ra với thế giới.
2. Chiến tranh tôn giáo
Nạn nhân giấu mặt của cuộc chiến tranh tôn giáo là Thiên Chúa giáo. Giáo hội Roma đã phải... nhìn thấy các thân vương một lần nữa quyết định tôn giáo của thần dân của họ... Công cuộc Phản Cải cách [của họ đã bị kiềm chế; chẳng hạn, không có chuyện Ba Lan sẽ thiết lập Công giáo ở một nước Thụy Điển theo Tin Lành mạnh gấp đôi so với trước đây. Kể từ thời điểm đó, triều giáo hoàng không còn là một quyền lực chính trị lớn, và tôn giáo ở châu u suy tàn.
Mặc dù cuộc Cải cách đã được cứu vãn, nhưng cùng với Công giáo, đạo Tin Lành đã phải hứng chịu một chủ nghĩa hoài nghi được khuyến khích bởi sự thô thiển của các cuộc luận chiến tôn giáo, sự tàn khốc của chiến tranh và những hành động độc ác của tín ngưỡng. Trong cuộc tàn sát hàng ngàn “phù thủy” đã bị giết. Người ta bắt đầu nghi ngờ những tín điều rao giảng Đấng Cứu thế mà lại thực hành cuộc huynh đệ tương tàn. Họ phát hiện ra các động cơ chính trị và kinh tế ẩn dưới những công thức tôn giáo, và họ nghi ngờ những người cai trị của họ không có đức tin thực sự ngoài lòng ham muốn quyền lực.... Ngay cả trong những lúc đen tối nhất của thời hiện đại này, ngày càng có nhiều người tìm đến khoa học và triết học để tìm kiếm những câu trả lời ít được nhuộm đỏ màu máu hơn những câu trả lời mà các tín ngưỡng đã tìm cách thực thi một cách thô bạo.... Hòa ước Westfalen đã chấm dứt sự thống trị của thần học lên tâm trí người châu u, và để lại con đường trắc trở nhưng có thể đi qua đối với những bước chân thăm dò ngập ngừng của lý trí.
3.Sự thăng trầm của Tây Ban Nha và những bước ngập ngừng của lý trí
[Trong giai đoạn này] Chưa có bất kỳ chiến thắng tức thì nào cho lý trí; suốt thời đại rực rỡ nhất của nước Pháp (grand siècle) của Louis XIV, truyền thống và Kinh Thánh vẫn giữ được vị trí của chúng một cách quá vững chắc; đó là kỷ nguyên của Port-Royal, Pascal, và Bossuet hơn là của những người thừa kế Descartes. Nhưng ở Hoà Lan cũng thời kỳ đó lại là thời đại của Spinoza và Bayle, còn ở Anh là thời của Hobbes và Locke. Hạt giống đang nảy mầm.
... Chẳng bao lâu nữa, mọi cuộc chiến tranh và cách mạng của các quốc gia đối địch sẽ chỉ còn mang tầm quan trọng nhỏ bé so với cuộc cạnh tranh ngày càng lan rộng, dâng cao giữa đức tin và lý trí vốn sẽ khích động và biến đổi tinh thần của châu âu, và có lẽ của cả thế giới.