“Một cô bé nơi thị trấn vùng quê tự sát giữa biển bánh vòng.
Họ bảo em là thiếu nữ đẹp như người mẫu.
Nhưng tôi nghe nói em mập nhất trường…”
Tachibana, một bác sĩ tại một bệnh viện thẩm mỹ, được người bạn thân cũ hồi đi học của cô ấy – người đang muốn giảm cân – ghé thăm để xin tư vấn. Trong buổi tư vấn đó, họ tình cờ chia sẻ cho nhau câu chuyện về một người bạn khác của họ ở trường tiểu học, Yokoami. Cô ấy có một cô con gái bỏ học giữa chừng và đã tự kết liễu cuộc đời ngắn ngủi của mình trong căn phòng vương vãi những chiếc bánh rán vòng rắc đường thơm ngọt…
Tại sao cô bé đó lại có quyết định dại dột đến vậy?
Liệu cô bé có đang bị mẹ mình ngược đãi, bị ép ăn quá nhiều bánh vòng đến béo không nhận ra?
Hay điều ngược lại mới là sự thật, chính những chiếc bánh vòng lại là người bạn nâng đỡ những thương tổn và đưa cô bé đến chân trời hạnh phúc?
Những mảnh vỡ tưởng chừng như rời rạc được góp nhặt từ những câu chuyện quá khứ và hiện tại chồng chéo nhưng khớp nhau đến ngạc nhiên, đã vẽ lên bức tranh tổng thể về đời sống xã hội Nhật Bản, nơi chủ nghĩa ngoại hình được tôn vinh và con người quên đi những giá trị thực, lòng trắc ẩn cũng như hạnh phúc giản đơn. Suy cho cùng, vẻ đẹp ngoại hình không bất biến cả đời. Có những thứ sẽ dần hao tổn như làn da đàn hồi hay mái đầu óng ả, và cũng có những thứ sẽ thừa ra như bụng và eo, lưng và bắp tay, hết chỗ này đến chỗ nọ. Hãy cứ thoải mái với những gì mình có, đừng để người khác đặt ra tiêu chuẩn cho bản thân mình.
Một số trích dẫn hay trong sách Mảnh Vỡ - Minato Kanae
“Nhưng không vì vậy mà con người ta không bị trêu chọc khi trở về quê hương. Bởi những ấn tượng mới sẽ ghi đè lên quá khứ. Xấu xa nhất là những kẻ mặc cho kí ức dừng mãi ở lúc đối phương ra đi, để dẫu bao năm tháng đã qua, vẫn đối xử với họ bằng những ấn tượng xưa cũ. Bởi những kẻ đó, đặc biệt là bọn quen được chiều chuộng không thèm chấp nhận bản ghi đè…”
“À không, cháu không bị dị ứng. Chẳng là cháu không ăn gluten. Cháu sẽ ăn pudding hoa quả. Cái này tuy cũng có sữa nhưng cháu vẫn cần trứng và đường. Đã thế còn có vitamin. Gọi cái này chuẩn rồi... Mà người như cô cũng ăn bánh ngọt sao? Cháu tưởng cô chỉ sống bằng sinh tố rau củ và nước hoa quả lên men cơ. Hay cô đang ép mình cho hợp với cháu?”
“Quả thực bài học đạo đức “Ngưng đánh giá người khác qua vẻ bề ngoài” đã được dạy hàng chục, hàng trăm năm nay, nhưng giá trị quan đâu dễ đổi thay đến thế. Nếu có thay đổi thì họa chăng là quan niệm về đẹp trai và xinh gái. À, người ta không nói là “đẹp trai” nhỉ. Soái ca? Vậy là cách để gọi nam thanh nữ tú đã thay đổi, nhưng quan niệm về xấu xí thì thời nào cũng giống nhau.”
“Tại sao em nghĩ vậy à? Này nhé, chị Shiho lo lắng quá mức về chuyện chị ấy béo. Nỗi lo mà như nỗi sợ. Ngay cả với lời của người bà bị sa sút trí tuệ, chị ấy cũng phản ứng dữ dội và lâm vào hoảng loạn. Vậy tức là, chị ấy từng hạnh phúc nhờ dáng dấp thanh mảnh phải không? Em cảm giác chị ấy đang bị ám ảnh bởi một nỗi bất an, rằng “Chồng thích mình khi thon thả, nên lỡ mình béo lên, có khi nào anh ta sẽ ghét mình? Có khi nào mái ấm hạnh phúc của mình sẽ tan thành mây khói?””
“Không cho trẻ thứ chúng ghét nhưng ngược lại, chỉ cho trẻ thứ chúng thích mới là vấn đề. Cứ cho con trẻ thật nhiều thứ mà chúng thích ư? Nếu là món xúp hay salad dùng ba mươi loại nguyên liệu thực phẩm để chế biến thì tôi không ý kiến gì. Nhưng nếu không phải vậy và từ đó sức khỏe của trẻ có nguy cơ bị tổn hại, tôi không thể coi đó là cho trẻ ăn uống. Ngược lại, tôi coi đó là ngược đãi.”
“Cân nặng dễ tăng cũng dễ giảm. Ngày nay, không phải người gầy sẽ gầy cả đời, không phải người béo sẽ béo cả đời. Trong các yếu tố của cơ thể, cân nặng là yếu tố bất định nhất.”
“Thiết nghĩ rất nhiều người biết về sự hiện hữu của tiếng nói tâm hồn, nhưng lại không nhận ra tiếng nói của cơ thể. Tiếng nói của tâm hồn là đứa nhõng nhẽo và lười biếng. Ít nhất thì với tôi là vậy. Đôi khi ta cần lắng nghe nó, nhưng quả thực chỉ “đôi khi” là đủ.”
“Trêu đùa” không thể gọi là “trêu đùa” nếu bên bị trêu không thấy lợi lộc gì. Nếu chỉ có những kẻ trêu chọc tìm thấy thỏa mãn khi buông mấy câu hay hớm, đó gọi là bắt nạt. Vì chúng sẵn sàng chà đạp lên tôn nghiêm của người khác để nuông chiều cảm xúc của bản thân. Rõ ràng phải không ạ?”
“Đầu tiên tôi xin phép được nói về một lý nếu tất cả mọi người nhìn vào nội tâm, thay vì bề ngoài của người khác để đánh giá. Cao thấp, béo gầy, mắt to mắt híp, mũi cao mũi tẹt, tất cả đều là những nét riêng của vẻ bề ngoài. Việc lấy chúng để xét đoán nội tâm người khác là hành động nông cạn. Nhưng làm gì có chuyện ta thật lòng nghĩ thế phải không?”
“Vẻ đẹp ngoại hình không bất biến cả đời. Có những thứ sẽ dần hao như làn da đàn hồi hay mái đầu óng ả, và cũng có những thứ sẽ thừa ra như bụng và eo, lưng và bắp tay, hết chỗ này đến chỗ nọ."
“Các mảnh ghép “bản thân” khớp với nhau, tạo nên gia đình, làng xóm, cứ thế biến thành một mảng của bức tranh. Nhưng không phải các mảnh ghép đều thuận lợi khớp với nhau. Trong bức tranh trường học và bức tranh nơi làm việc, không hiểu sao chỉ có mảnh của mình là trồi lên. Có lẽ bức tranh đó không có chỗ cho mình. Nhưng dẫu vậy, cũng không dễ mà tìm được một bức tranh khác.”