Tập truyện ngắn viết về những người mẹ. 17 truyện trong sách là những câu chuyện của nhiều người mẹ Nam bộ khác nhau, có người già, người trẻ, có người đóng vai chánh, có người chỉ đóng vai phụ... Mỗi người một hoàn cảnh, số phận riêng nhưng tất cả đều là những người mẹ tưởng cam chịu mà mạnh mẽ, tưởng yếu đuối mà can trường, tưởng có thể bị nghiền nát, đè bẹp, chết đuối giữa dòng thác đau khổ, nhưng rồi vẫn vượt qua, vì gia đình, vì chồng, vì con.
Nhận định về cuốn sách Cả Một Trời Thương
"“Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình…”, viết về sự “bao la” đó rất khó bởi ngôn ngữ vốn có giới hạn. Trúc Thiên đã chọn viết về cái “khó” ngay ở tập truyện đầu tay Cả một trời thương. Thiệt gan! Ai cũng có một người mẹ và ai cũng biết câu ca dao “Mẹ già như chuối chín cây/ Gió lay trái rụng, con rày mồ côi”. Biết vậy nên người con phải đối xử với mẹ ra sao, khi người mẹ đã ở tuổi “Má khi nhớ khi lẫn…Má cũng có khi quên luôn tụi bây, biết lúc đó tụi bây có nhớ má không?”. Câu hỏi đó má Bốn không chỉ hỏi các con của má, mà hỏi tất cả những người con trong đó có chúng ta. Mỗi người con có hoàn cảnh khác nhau, sẽ tự trả lời câu hỏi đó… Tôi đã thấy bóng dáng má tôi trong tập truyện của Trúc Thiên. Tôi cũng thấy bóng dáng tôi trong những nhân vật người con của anh. Xin cảm ơn tác giả." - Nhà văn Đoàn Thạch Biền
"Nếu nói viết là cách để xả bớt những dồn nén, những chất chứa gan ruột thì đó chính là Trúc Thiên. Sau cả hơn chục năm bặt tăm trên mọi “mặt trận” văn chương, Trúc Thiên trở lại đầy bất ngờ. Anh em là truyện ngắn đánh dấu sự trở lại ấy. Rồi tới Má đi chợ, Mùa khiết bông trổ hoa… Tôi thấy cái ngọt, cái đằm, cái sâu lắng lẫn hời hợt của chàng trai miền Tây, con người miền Tây được kể nhẹ tênh. Mà văn Trúc Thiên dễ dụ người ta lắm. Kiểu rủ rỉ, rù rì tâm sự chớ chả cần dụng công câu chữ, độc giả vẫn chết ngay đơ. Nhưng cái quý nhất ở Trúc Thiên, chính là cái nhìn cực kì nhân văn! Chưa đầy một năm trở lại, Trúc Thiên đã có cả gia tài với mấy chục truyện ngắn. Đáng nể!" - Nhà văn, nhà báo Phương Huyền