Là một trong sáu bộ của triều đình nhà Nguyễn, bộ Công có một vai trò quan trọng trong các công tác xây dựng và sửa chữa các cung điện, đài, dàn công thụ ở kinh đô, vương công phủ đệ, kho tàng, lăng tẩm, thành và công thự ở các tỉnh trong nước, công tác chế tạo và tu sửa các loại tàu thuyền; công tác giữ gìn và chỉnh đốn hệ thống đê điều trong nước; công tác chỉnh tu hệ thống đường sá cầu cống, kiểm soát việc lưu thông của tàu thuyền.
Cuốn sách Hoạt động của bộ Công dưới đời vua Tự Đức qua các châu bản nhà Nguyễn, sẽ giúp chúng ta có một cái nhìn tồng quan về tổ chức của bộ Công; thể thức điều hành công vụ của bộ Công; các hoạt động chính của bộ, và đặc biệt là những châu phê của vua Tự Đức đối với những bản tấu trình của quan lại địa phương, để từ đó người đọc phân nào nhận thấu được tài cai trị cũng như ý hưởng của vua Tự Đức. Các châu phê cũng phần nào làm tan đi những thành kiến sai lầm của người đời về vua Tự Đức, người được coi là chịu trách nhiệm trước lịch sử vì không ngăn cản được cuộc xâm lăng của người Pháp ở Việt Nam vào cuối thế kỷ XIX.
Hai chữ châu bản chỉ về các bản tấu sớ đã được ngự phê hoặc ngự lãm. Các tập châu bản triều Nguyễn thường gồm cả bản thượng dụ, chiếu chỉ và các loại công văn tương quan. Từ lâu các nhà sử học Đông Tây đã biết rằng Nội các và Quốc sử quán trong hoàng thành Huế có tàng trữ một số châu bản thuộc triều Nguyễn tiếc rằng những sử liệu quý báu này chưa có dịp làm đối tượng nghiên cứu sử gia tân tiến theo phương pháp khoa học và có hệ thống, thì một số lớn của tài liệu ấy đã bị hư nát và mất tích đồng thời kỳ tản cư từ năm 1945 cho đến năm 1955. Tuy vậy, giá trị châu bản đối với sự nghiên cứu của lịch sử cận đại, nhất là lịch sử triều đại nhà Nguyễn vẫn là một kho tàng sử liệu cho các nhà sử học, mặc dầu số châu bản hiện còn, có lẽ không bằng 1/5 của ngày trước. - Giáo sư Trần Kinh Hòa