"Bí Ẩn Tuổi Thơ" được xuất bản lần đầu vào năm 1938, nó giúp độc giả biết được những điều bí mật: những bí mật có thể quan sát được bởi người quan sát kiên nhẫn, khách quan, quan tâm và nhân ái. Cuốn sách trình bày các nguyên tắc mấu chốt của triết lí Montessori. Phần đầu của quyển sách đưa ra rất nhiều bằng chứng khoa học và tâm lí cần thiết để đưa trẻ thơ vào vị trí của một nguồn lực được khảo sát và kính trọng. Đối với một sinh linh chỉ được xem là một sự phóng to, Montessori khẩn cầu chúng ta nên tỏ ra “tôn kính bậc thầy của sáng tạo”. Ngày nay, chúng ta vẫn còn vất vả để tìm hiểu tất cả những sự kiện khoa học xung quanh đứa trẻ sơ sinh. Bé thật đẹp đẽ, thật dễ thương, thật ngây thơ, thật mê hoặc đến nỗi chúng ta chóng quên rằng đằng sau dáng vẻ non nớt bên ngoài của nó là một sức mạnh nội tại tương tự nền móng của những đá tảng nguyên khối hay nền tảng của những nền văn minh lớn.
Những trích dẫn trong cuốn sách "Bí Ẩn Tuổi Thơ"
“…Maria Montessori đưa ra quan điểm rằng chúng ta cần cung cấp cho đứa trẻ một “môi trường được chuẩn bị” với đầy đủ các yếu tố thiết yếu cho sự tự kiến tạo của trẻ. Trong môi trường này, các học cụ đều mang tính phản hồi, qua một cơ chế “tự kiểm tra sai lầm” giúp trẻ tự điều chỉnh, tự xác định sự thành công và tiến bộ của bản thân mà không cần đến sự can thiệp của người lớn. Nhờ vậy đứa trẻ tự quyết định, tự giải quyết thách thức, do đó củng cố ý chí và gia tăng lòng tự tin và tự trọng…” (Trích Lời tựa Bí ẩn tuổi thơ, Maria Montessori, dịch giả: Nghiêm Phương Mai, NXB Tri thức, 2013)
"Niềm hi vọng của một dân tộc được quyết định phần lớn bởi việc giáo dục các thế hệ trẻ của xã hội mà căn bản là ở giai đoạn ấu thơ. Bạn thật sự biết gì về trẻ thơ? ...Trẻ thơ là chìa khóa cho số mệnh của sự sống tương lai của chúng ta. Bất cứ ai muốn thành công vì mục đích nào đó cho phúc lợi của xã hội, phải tìm đến đứa trẻ, không những để cứu nó khỏi bị lệch lạc, mà còn để học được từ đứa trẻ cái bí mật thực tiễn của sự sống của chính chúng ta.” (Trích Phần III: Đứa trẻ và xã hội)