Tác phẩm "Vang bóng một thời" được xem như là một tác phẩm gần như hướng đến sự toàn thiện, toàn mỹ. Đọc tác phẩm, độc giả sẽ cảm nhận được những nếp sống cũ, những nét nghệ thuật cổ thanh cao của một nền văn minh xưa cũ và có chút tiếc nuối cho những cái đẹp.
Lần lược đọc hết cả 12 truyện trong "Vang bóng một thời", có lẽ mới hiểu hết được hai chữ thiện lương mà tác giả dùng trong truyện Chữ người tử tù, quả thật là “Đứng trước một cái chân tài thì người khinh bạc đến đâu cũng trở nên trung hậu”. Cái đẹp theo ông phải được khởi phát từ tài năng và định vị ở thiên lương trong chính mỗi con người và để cảm nhận được nó ta phải cảm bằng tâm, bằng sự tương thông và cả sự trân trọng đặc biệt. Nguyễn Tuân tỏ bày nỗi nặng lòng, nỗi mê đắm với cái đẹp bằng một giọng văn đôn hậu thanh cao, ngậm lẫn nhiều ngậm ngùi. Những người nghệ sĩ trong từng câu chuyện của ông đơn giản chỉ là tập trung hết sức trong chính cái công việc mà mình đã chọn.
"Vang bóng một thời" được hình thành trong buổi giao thời và có thể thấy cảnh và người trong tập truyện đều là cảnh và người không được miêu tả kỹ và cụ thể là ở đâu, chỉ rõ được rằng họ ở là dĩ vãng — thứ dĩ vãng đã một thời vang bóng. Những độc giả mẫn cảm với cái đẹp xưa cũ, tuyệt đối sẽ đắm đuối bần thần trong thế giới văn chương của Nguyễn Tuân.
Chùa nhà ta có cái giếng này quý lắm. Nước rất ngọt. Có lẽ tôi nghiện trà tàu vì nước giếng chùa nhà đây. Tôi sở dĩ không đi đâu xa được là vì không đem theo được nước giếng này đi để pha trà. Bạch sư cụ, sư cụ nhớ hộ tôi câu thế này: Là giếng chùa nhà mà cạn thì tôi sẽ cho không người nào muốn xin bộ đồ trà rất quý của tôi. Chỉ có nước giếng đây là pha trà không bao giờ lạc mất hương vị...