Hồi ký “Bà Đỡ” của dịch giả, nhà nghiên cứu văn học Đào Tuấn Ảnh gồm có ba phần. Riêng phần đầu, kể chuyện bà ngoại là chủ yếu, đã chiếm đến một nửa dung lượng bản thảo. Hai phần sau, “Chuyến du lịch đầu tiên” và “Cô Tí Hon”, kể chuyện những người thân khác trong gia đình. Xa, là chuyện về thời con gái của người mẹ đẻ, tức cô Tí Hon, giờ đã ngoại cửu tuần; gần, là chuyện về những đứa cháu, con cháu của cô Hon, đứa em gái có dòng máu Tây lai mà vợ chồng cô Tí Hon nhận nuôi thuở trước. Luôn có một giọng kể nghèn nghẹn như kìm nén nỗi xúc động khi nhớ lại những cơ cực oan trái, những hy sinh thầm lặng, những trớ trêu sự đời trong cuộc đời và số phận những người thân trong gia đình của tác giả.
Trích dẫn trong sách "Bà Đỡ"
“ Thủa nhỏ, tôi sống cùng gia đình ở một thị xã yên bình, gần nhà tôi có ngôi biệt thự lớn Pháp để lại được dùng làm thư viện của tỉnh, tầng một dành cho sách thiếu nhi. Nhưng khi ấy họ không cho trẻ con mượn sách mang về nhà, bởi khi mang trả chúng nhàu nát đến độ chẳng còn nhận ra là sách gì. thế nên hầu như chiều nào tôi cũng tới đó đọc sách. Thời ấy, ngoài chơi bi, đánh đáo, chơi chắt chơi chuyền và tập trận đánh nhau, thì sách là thú vui của đám trẻ biết chữ. Những truyện đọc ám vào tâm trí trẻ thơ, khiến ước mơ trở thành nhà văn cứ theo tôi suốt. Tôi mơ một ngày nào đó sẽ viết hẳn một truyện dài về bà ngoại tôi, cuộc đời bà sẽ được tôi mô tả giống như cuộc phiêu lưu thú vị của chú dế mèn. Khi đọc truyện cháu mình viết thể nào bà cũng ngạc nhiên, ô a suốt. Rồi thì, tí ơi chỗ này cháu tả y thật, làm bà nhớ lại bao nhiêu chuyện; chỗ này có tí sai, nhưng vẫn hay. đáng lí chuyện phải như thế, như cháu viết ấy, mới đúng... truyện về bà ngoại, người bà có sức hút bí ẩn đối với tôi, có lẽ là truyện được viết lâu nhất thế giới. Bởi vì, cho tới tận hôm nay, khi tôi đã bằng tuổi bà trong lần gặp cuối cùng, bất chợt dòng kí ức tuổi thơ tôi cuồn cuộn đổ về lẫn với mùi mưa phùn pha gió bấc tháng ba và mùi hoa nhãn thoảng qua ngoài cửa sổ, và thế là cầm bút.
Nghe nói, thời Pháp thuộc, thuở trẻ bà tôi từng được Pháp cho học lớp đỡ đẻ cơ bản, cấp chứng chỉ hành nghề đàng hoàng và trở thành người đỡ đẻ, mà dân gian gọi là bà mụ, cô đỡ, bà đỡ, cho một vùng quê ở Bắc bộ, và bà được nhận lương hẳn hoi. Chính vì thế bà không được nhận tiền của gia chủ, kể cả người giầu, mà chỉ được bồi dưỡng bữa ăn đêm sau khi đã hoàn thành công việc vất vả và chuẩn bị sức lực cho chuyến đi bộ trở về có khi lên tới cả chục cây số đường trong đêm (không hiểu sao trẻ con rất thích ra đời vào ban đêm và lúc rạng sáng). Hòa bình lập lại bà tôi vẫn hành nghề đỡ đẻ, nhưng lúc này công xá chỉ là bữa cơm bồi dưỡng, vài ba đấu gạo, ít cây trái hái trong vườn gia chủ. Khi các trạm đỡ đẻ ở xã, huyện mở ra, mọi người vẫn tới nhà mời bà vì uy tín và kinh nghiệm (nghe nói chỉ có ca sinh ba bà mới phán chuyển lên bệnh viện tỉnh, còn sinh đôi, ngôi ngang, ngôi ngược, tràng hoa quấn cổ... bà chấp tất). Sau này, khi về già, không đủ sức đi xa, bà thường chỉ đỡ những ca quanh quẩn trong thôn, xã.
Tuổi thơ của tôi không có cha mẹ ở bên và hình ảnh quen thuộc mỗi ngày là bầy cháu nội ngoại mồ côi bố hàng đêm ôm nhau ngủ trên hai cái ổ rơm, nghe tiếng kẹt cửa nhất loạt nhỏm dậy, như những con tằm ngỏng cổ, tỉnh như sáo, không phải vì gió rét ập vào, mà vì cái túi vải của bà, trong đó bao giờ cũng có gói xôi và mấy miếng thịt gà luộc, đủ chia cho từng đứa. tôi bé nhất được chia miếng nạc. hội kia, đứa cái chân, đứa miếng cổ... nhờ vào những bữa đêm có thịt mà bà tôi nhường cho những đứa cháu đang tuổi lớn, chúng tôi xem ra có da có thịt hơn cả trong đám trẻ con đói ăn triền miên quanh vùng.
Còn nhỏ nên tôi không hiểu được tầm quan trọng của bà mình, chỉ biết, ai đến nhà cũng dạ thưa khúm núm, còn bà thì luôn hỏi câu quen thuộc: đau từ lúc nào, đau như thế nào… Bằng vào cái sự đau này bà phán tiếp: Không việc gì phải cuống, một (hai, ba) ngày nữa mới đẻ, hoặc, chửi cả chồng hả? là nó đau lắm đấy. đàn ông không đẻ không biết đau đẻ nó dư nào đâu. chết được ấy chứ. chả thế mà có câu chửa cửa mả. nhưng yên tâm, rạng sáng mai mới đẻ. hoặc, đã đun nước chưa, nhớ để âm ấm hẵng pha thuốc tím, mà ít thôi nhá, chẳng rồi da dẻ lại như con bé này – bà hất hàm về phía tôi... hình như chưa bao giờ bà phải chờ sản phụ quá lâu.
Thỉnh thoảng bà cũng xâm phạm vào đời tư của một vài gia chủ, chẳng hạn: đẻ phát gớm, mới năm ngoái đẻ, năm nay đã lại. mày chẳng giống lão bố cái gì, giống mỗi cái... bòi. Tức là nhà ấy bà đã đỡ đến thế hệ thứ hai. chính vì vậy khắp thôn cùng ngõ hẻm đi tới đâu bà cũng gặp người quen. người ta chào bà răm rắp, còn bà lúc thì: Tiên sư anh, nói anh ngang ngược cũng phải, người ta ra bằng đầu, anh ra bằng chân, lúc thì: lại đánh nhau hả, có bốn vợ thì mày phải có bốn chim, mà tao đếm mãi lúc mày mới đẻ chỉ thấy nhõn một con, hoặc, lên chức rồi hả, biết ngay, đầu to, tai nhớn từ lúc mới đẻ. nói cho anh biết, hồi ấy mẹ anh mà không chịu đau để tôi khâu vá lại cho lành lặn, thì tầm này anh cũng phải có đến mấy dì, hoặc, vợ chồng lại đánh nhau hả, đánh nhau sao đẻ đến khỏe. nói anh hay, còn đánh vợ, thì đợt tới tự mà đỡ con ra nhá, đem võng đến đón tôi cũng chả đi...
Tôi chạy lon ton bên cạnh bà không mấy hiểu ý nghĩa những câu nói, chỉ biết những người nghe ngỏn ngoẻn cười, gãi tai, gãi gáy.
Nhà ngay cạnh đường, chiều nào mấy bà cháu cũng giải chiếu ăn cơm ngoài sân, bên cạnh chum tương cho tiện múc. Bất cứ người nào đi qua bà cũng hỏi thăm, nào thì: cái hĩm biết làm gì rồi?; Ông cả Thượng sau đận đẻ thằng cu đã đi lại được chưa?... nhà cả đống cháu, có nồi cơm con con mà có bận bà xới một bát đầy chạy theo một người đàn ông, dúi vào tay người ấy. Trở về bà thanh minh, giọng phiền não: mỗi đứa bớt ăn đi một tí để người ta được một bữa cơm. gái đẻ mà toàn ăn rau khoai lang luộc với bánh cám sống sao nổi, rồi cũng đến chết cả mẹ lẫn con mất thôi...
Cho đến tận bây giờ tôi vẫn không biết tên thật của bà mình, vì dân làng toàn gọi bà, lúc trẻ là “cô đỡ”, về già - “bà cụ đỡ”.”
- Trích: Bà Đỡ | Đào Tuấn Ảnh