Có rất nhiều góc độ khác nhau để vẽ nên chân dung thành phố, Nguyễn Trương Quý, lần này chọn vẽ chân dung Hà Nội qua những dấu chân đi về.
Trong khoảng một trăm năm qua, người Hà Nội đã đi trên những phương tiện gì, đã qua những con phố, ngã tư, quảng trường nào, đã chọn những điểm đến ở đâu, tâm tình của họ trên những hành trình ấy là gì, và tất cả những điều ấy biến đổi theo chuyển dịch của bánh xe lịch sử ra sao, đấy là một câu chuyện vừa lớn lao vừa tinh tế mà cuốn sách này có tham vọng kể lại.
Triệu dấu chân qua những cửa ô vì thế là một cuộc lãng du chầm chậm theo cả hai chiều không gian - thời gian, hấp dẫn bởi vị sâu lắng ngậm ngùi pha lẫn nét hài hước ý nhị, bởi cho ta nhận thức về việc ta có kết nối gì với quá khứ và vì sao ta ở đây.
Bạn đi cùng chứ?
Thông tin tác giả
Nhà văn Nguyễn Trương Quý sinh năm 1977 tại Hà Nội. Anh theo học và tốt nghiệp từ Đại học Kiến trúc Hà Nội. Sau một thời gian làm kiến trúc sư, anh đi theo đam mê với văn học và bắt đầu theo đuổi thể loại tản văn - thể loại anh được đánh giá là rất thành công. Hiện nay, bên cạnh viết lách, anh còn vẽ tranh, làm đồ họa và truyền thông. Nguyễn Trương Quý được trao tặng Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm 2019 cho tác phẩm “Một thời Hà Nội hát - Tim cũng không ngờ làm nên lời ca.”
Các tác phẩm anh từng xuất bản đều viết về mảnh đất Thủ đô, nơi anh sinh ra và lớn lên, gồm: “Tự nhiên như người Hà Nội” (2004), “Ăn phở rất khó thấy ngon” (2008), “Hà Nội là Hà Nội” (2010); “Xe máy tiếu ngạo” (2012), “Còn ai hát về Hà Nội” (2013), “Mỗi góc phố một người đang sống” (2015), - đều là những tản văn viết về con người và phố thị Hà Nội,tập truyện ngắn “Dưới cột đèn rót một ấm trà” (2013), du khảo “Một thời Hà Nội hát – Tim cũng không ngờ làm nên lời ca” (2018). Tác phẩm mới nhất của anh là “Hà Nội bảo thế là thường” (2020).