Chữ Nôm và tiếng Việt qua bản giải âm Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh của PTS. Hoàng Thị Ngọ, nghiên cứu viên phòng Văn tự học của Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Bản giải âm Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh (viết tắt là Phật thuyết) từ lâu tưởng đã bị thất truyền như số phận của phần lớn các văn bản từ thế kỷ XVI trở về trước. May thay, năm 1979, nhà nghiên cứu Hán Nôm Tạ Trọng Hiệp (Việt kiều) đã mang bản giải âm này từ Paris về nước.
Nội dung văn bản là một bộ kinh của nhà chùa nói về chữ “hiếu”, vì thế cũng rất quý với những người nghiên cứu tôn giáo sử, tư tưởng sử và văn hóa sử, đặc biệt là về văn hóa Phật giáo Việt Nam thời Lê Sơ, khi Nho giáo đang buổi cực thịnh...
Nghiên cứu bản giải âm này, tác giả đã phân loại cấu trúc chữ Nôm ở thời kỳ đầu của lịch sử phát triển, tập trung đi sâu phân tích loại chữ Nôm dùng hai mã chữ để ghi một tiếng Việt rồi sau đó miêu tả các đặc điểm ngữ âm, từ vựng và ngữ pháp tiếng Việt, bước đầu nhận định về cách dịch của dịch giả bản Giải âm.
Sau khi phiên âm, chú giải toàn bộ văn bản, tác giả còn cung cấp cho bạn đọc một bảng Từ vựng với số liệu thống kê tần số xuất hiện của các từ thuần Nôm, kèm theo văn cảnh cụ thể. Bạn đọc cũng được cung cấp nguyên bản Giải âm, một văn bản cho đến nay được coi là rất quý hiếm, để tiện theo dõi và tiếp tục triển khai nghiên cứu ở những địa hạt khác nhau.
Nội dung cuốn sách được trình bày chia làm 3 phần chính:
- Phần I. Giới thiệu và nghiên cứu bản giải âm Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh.
- Phần II. Phiên âm, chú giải toàn bộ bản giải âm Phật thuyết.
- Phần III. Gồm bảng Từ vựng với hầu hết các từ thuần Nôm xuất hiện trong bản giải âm.