"TRUYỆN NGẮN CỦA Phạm Duy Nghĩa hấp dẫn. Đây là một trong những phẩm chất thiết yếu của văn chương nghệ thuật. Cái hấp dẫn trong truyện của Phạm Duy Nghĩa trước hết ở tính ly kỳ của những tình huống lạ. Một cơn gió màu xanh lam bỗng nhiên tràn đến ngôi làng trong thung lũng, mang đến cho người dân bệnh trong sáng và bệnh yêu đời. Một chú bé bỗng nhiên biết bay gây ra bao thăng trầm, nóng lạnh trong cách ứng xử của cộng đồng. Một người đàn ông tỉnh dậy thấy sương mù ngập tràn thành phố và toàn bộ cư dân trong thành đã biến mất, không biết đi đâu... Tình huống lạ là sản phẩm của những nhà văn có đầu óc phát kiến, đòi hỏi một năng lực tưởng tượng và giỏi hư cấu. Những câu chuyện kỳ ảo và huyễn tưởng trên đều có thêm sức nặng khi tác giả gài cắm vào đấy những vấn đề thế sự với nhiều trăn trở thời cuộc và cả những vấn đề mang tính nhân loại. Truyện ngắn của Phạm Duy Nghĩa thường gợi nhớ vẻ đẹp trong văn học Đông Âu, nhưng bao trùm lên tất cả vẫn là phong vị miền núi phía Bắc." - Hồ Anh Thái
“Nghệ thuật không phải là ánh trăng lừa dối. Nghệ thuật chỉ có thể là những tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than”. Ấy là quan niệm của Nam Cao về nghệ thuật. Nhà văn Phùng Văn Khai, thế hệ nhà văn hiện đại đã bắt gặp mình trong vòng tròn đồng tâm với Nam Cao khi có cùng một quan niệm: “Với người cầm bút, tôi có suy nghĩ, tác phẩm văn học, đặc biệt là tiểu thuyết và truyện ngắn trước hết và trên hết phải phản ánh hiện thực. Hiện thực phải là thứ hiện thực đã được chưng cất kỹ lưỡng từ cuộc sống…” Với quan niệm ấy, các sáng tác của Phùng Văn Khai bao giờ cũng mang đậm những vấn đề nhân sinh từ việc xoay quật với miếng ăn cơm áo hàng ngày đến việc làm sao để hòa nhập vào dòng chảy của cuộc sống. Nhà văn tìm đến những mảng sáng tối lẫn lộn, những lỗ hổng và ám ảnh của đời người rồi mở ra thành lời. Trong thế giới nghệ thuật của Phùng Văn Khai, tâm điểm tự sự là kiểu con người khổ đau, bất hạnh và lam lũ; là những số phận không hiểu vì sao cứ trôi dần ra khỏi cuộc đời…" - Phùng Văn Khai