Trọng Lang, cái tên hầu như không xuất hiện nhiều trong những đánh giá về các cây bút phóng sự có thành tựu giai đoạn 1930-1945 thuộc hệ thống sách giáo khoa hay giáo trình văn học, thế nhưng gia tài tác phẩm ấn tượng về số lượng cùng những giá trị không thể phủ nhận đã đưa Trọng Lang trở về đúng với vị trí xứng đáng đối với công chúng, đó là một trong những cây bút phóng sự tiêu biểu nhất của nền văn học Việt Nam.
Hà Nội lầm than, ra đời năm 1938, có thể coi là thiên phóng sự đặc sắc và được nhắc đến nhiều nhất của Trọng Lang. Và Hà Nội lầm than, mà sự khác biệt ngay từ nhan đề, cho đến hôm nay, sẽ vẫn nằm trong số những diễn ngôn đáng chú ý nhất về mảnh đất này ở giai đoạn nó được tắm đẫm không khí thực dân đa sắc thái.
Hà Nội lầm than là Hà Nội của giai tầng dưới đáy, của những hạng người và hạng nghề nghiệp từng bị đặt trong sự dè bỉu, coi thường và phi chuẩn mực của đám đông xã hội. Trong vai một tay chơi có máu điều tra, Trọng Lang đã lần lượt chứng kiến và tái dựng nguyên trạng tình cảnh của những người phụ nữ “nô lệ tạm thời” tại các quán bar, tiệm nhảy, nhà thổ…, nơi lui tới thường xuyên của tầng lớp giàu có, và ưa thích thú vui xác thịt.
Hà Nội lầm than, vào thời điểm đó, quả thật, đã khía rất sâu vào một trong những thực tế đang trương phình ở các đô thị thuộc địa: nạn mua bán dâm, các địa điểm kinh doanh tình dục trá hình. Với những thủ pháp viết lách linh hoạt, thiên phóng sự này của Trọng Lang đã đem đến nhiều câu chuyện “có thể làm cho mặt trăng u ám đi được” vì mức độ chân thực, tê tái, trắng phớ của nó.