Trong tiến trình phát triển của văn học Việt Nam hiện đại, sự nghiệp sáng tác của Thạch Lam chỉ non 5-6 năm, nhưng thế cũng đã đủ để Thạch Lam và những tác phẩm của ông để lại dấu ấn độc đáo, góp phần đáng kể tạo nên một thời kỳ văn học đáng nhớ. Giờ đây, khi nhắc đến những áng văn kinh điển về Hà Nội thì tập bút ký, “Hà Nội băm sáu phố phường” của Thạch Lam vẫn được coi là bất hủ, là mẫu mực, gây cảm hứng cho biết bao trang viết, cho bao nhiêu người viết về sau.
Hà Nội băm sáu phố phường ban đầu là những bài đăng báo của Thạch Lam, viết theo từng kỳ, sau đó được nhà xuất bản Đời Nay tập hợp lại thành sách. Cuốn sách mỏng manh về dung lượng nhưng mang trong mình sức nặng to lớn, ấy là tác phẩm biên khảo về văn hóa ẩm thực đầu tiên của nền văn học hiện đại Việt Nam.
Qua các nẻo đường phố cổ ngang dọc, qua những thức quà, món ngon mang đậm hồn điệu của người dân bản xứ, bằng một giọng văn thấm đẫm tâm tình, Hà Nội băm sáu phố phường đã tái hiện một cách tinh tế cái vóc dáng cái hồn cốt của chốn cổ đô Thăng Long – Hà Nội yêu dấu.
Và quan trọng nhất, sau hơn nửa thế kỷ với biết bao vật đổi sao dời, đó vẫn còn là những trang viết đầy ắp tình cảm, ấm áp mà vẫn hóm hỉnh, giản dị mà vẫn thấu đáo, nghĩ ngợi tỉ mẩn cho từng phận người bé mọn, đồng thời cũng suy tư bao quát cho cả một thói tục, một dân tộc, một thời thế… Đây chính là những giá trị không thể bị khuất lấp của một tác phẩm kinh điển.
Trích đoạn sách Việt Nam Danh Tác - Hà Nội Băm Sáu Phố Phường (Bìa Cứng)
“Có ai buổi trưa vắng hay buổi đêm khuya, đi qua các nhà cô đào, và các chị em thanh lâu, thấy họ ăn cái quà ấy một cách chăm chú và tha thiết đến đâu không? Nước ốc chua làm nhăn các nét mặt tàn phấn và mệt lả, miếng ớt cay làm xoa xuýt những cặp môi héo hắt, và khiến đôi khi rỏ những giọt lệ thật thà hơn cả những giọt lệ tình. Cô hàng ốc có một cái dụng cụ, một đầu là búa, một đầu là dùi nhọn. Một cái gõ nhẹ, và một cái trở tay, là con ốc nguyên cả ruột đã gọn gàng rơi mình vào bát nước. Cô thoăn thoắt rút ốc không kịp, trông thấy người ta ăn ngon lành, chính cô cũng sinh thèm.”