Cuốn tiểu thuyết trong bộ ba giải thưởng Hội Nhà văn 1991, Bến không chồng đã đứng được với thời gian nhờ một vẻ đẹp trong khuôn hình cổ điển: mộc mạc và chân phương trong cốt truyện, trong cách dẫn dắt và ngôn từ; như nhận xét của giáo sư Phong Lê – “một ngôn từ không lấp lánh tài hoa, mà giản dị, tự nhiên, và với ưu thế đó, Bến không chồng là tác phẩm khẳng định được ngay vị trí của nó trong lòng độc giả mà không hề gây tranh cãi”.
Cốt truyện xung quanh cuộc trở về của Vạn - người lính Điện Biên - ở làng Đông quê hương anh. Người lính dũng cảm trong chiến đấu trở về trong thời bình nhưng không hòa nhập được vào nhịp sống bình thường, vẫn giữ nguyên tác phong trận mạc để chỉ huy cộng đồng làng xã. Anh không dám vượt qua rào cản tâm lý để đến với chị Nhân, nhưng rồi cuộc sống xô đẩy anh cùng hai người phụ nữ trong đời anh đến những lựa chọn quyết liệt. Những người phụ nữ ở làng Đông mỗi người đi tìm hạnh phúc theo cách của mình, nhưng thời cuộc và chiến tranh cùng biết bao sai lầm trong tư duy một thời đã ám ảnh họ mãi ở một “bến Không Chồng” vừa hữu hình vừa dai dẳng trong tiềm thức.
Bến không chồng, ở thời điểm mở đầu 90, quả đã góp được một cái nhìn mới về bức tranh đất nước trong thời chiến và hậu chiến; với gánh nặng không phải chỉ là chiến tranh, về phía khách quan; mà còn là những lầm lạc của con người, trong một bối cảnh có quá nhiều biến động và thử thách, mà tất cả những ai “do lịch sử để lại” đã không đủ tầm và sức để vượt qua. Những nhận xét này đã khẳng định được vị trí của cuốn tiểu thuyết, và còn lan tỏa hơn khi đã được dịch ra tiếng Pháp, Ý cũng như được chuyển thể thành phim truyện cùng tên.
Nhận xét
“Trong bộ ba được Giải thưởng Hội nhà văn năm 1991 này, BẾN KHÔNG CHỒNG không có cái sắc sảo, riết róng của Mảnh đất làm người nhiều may không có cái chiều sâu thâm trầm đến ám ảnh của Nỗi buồn chiến tranh... Nhưng bù lại, và để đứng được với thời gian, BẾN KHÔNG CHỒNG lại có được một vẻ đẹp khác trong khuôn hình cổ điển: mộc mạc và chân phương trong cốt truyện, trong cách dẫn dắt và ngôn từ - một ngôn từ không lấp lánh tài hoa, mà giản dị, tự nhiên, và với ưu thế đó, BẾN KHÔNG CHỒNG là tác phẩm khẳng định được ngay vị trí của nó trong lòng độc giả mà không hề gây tranh cãi.” - GS. Phong Lê
“BẾN KHÔNG CHỒNG đã tấn công vào một đề tài hóc búa: chiến tranh. Sự bội bạc, nỗi uất hận, những cám dỗ... - cuốn tiểu thuyết này đã phản ánh mọi mặt của cuộc sống thời hậu chiến: là một bổn phận nhìn lại ký ức, khác xa những giáo điều quen thuộc." - André Claven, Le Temps