Đại tướng Hoàng Văn Thái, trên trang đầu cuốn hồi ức Những năm tháng quyết định viết lời đề tặng: “Thân tặng chị Toản để tưởng nhớ hương hồn anh Cao trong “những năm tháng quyết định” này đã đem hết sức mình sát cánh cùng tập thể Bộ Tổng Tham mưu chiến đấu và chiến thắng”.
Tướng Cao Văn Khánh (1916 – 1980) là một trong số ít vị tướng đặc biệt tham gia chỉ đạo trực tiếp hầu hết chiến dịch quan trọng nhất mà cũng ác liệt nhất suốt trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ.
Là người được đại tướng Võ Nguyên Giáp tin cậy trao những trọng trách khó khăn nhất từ ngày đầu cuộc kháng chiến chống Pháp cho đến các chiến dịch Biên giới, Điện Biên Phủ và Tây Nguyên, Đường 9 – Nam Lào, Quảng Trị 1972, rồi Tổng tiến công Xuân 1975 với chức vụ Phó Tổng Tham mưu trưởng.
Lý lịch của ông cũng thật lạ lùng và phức tạp: sinh năm 1917 tại Huế, trong một gia đình quý tộc trí thức của triều Nguyễn. Anh cả Cao Văn Chiểu và anh trai Cao Văn Tường cũng là những người tài năng từng giữ chức vụ quan trọng trong chính quyền Sài Gòn.
Ông được giáo dục theo văn hóa Pháp, từng sang Pháp học bằng Cử nhân Luật và tham gia phong trào Hướng đạo Pháp... Về Việt Nam dạy học ở nhiều trường ở Huế và hoạt động hướng đạo...
Thời điểm đó là “thần tượng” của nhiều cô gái. Khi Cách mạng tháng Tám nổ ra, ông bắt đầu cuộc đời binh nghiệp.
Vợ là bác sĩ-đại tá Ngọc Toản, là dòng dõi hoàng tộc triều Nguyễn thời Khải Định, nổi tiếng khi còn là “tiểu thư” nữ sinh Đồng Khánh.
Nhiều người biết đến đám cưới của hai người vì sự độc nhất vô nhị khi được tổ chức ngay trong hầm De Castries ngay sau chiến thắng Điện Biên Phủ, nhưng ít ai biết về cuộc đời của ông và những điều ông đã trải qua trong 2 cuộc chiến ác liệt từ 1945 – 1975. Vì vậy mà có thể nói đây là một cuốn hồi ký đặc biệt.
Tác giả Cao Bảo Vân cũng chính là con gái của tướng Cao Văn Khánh, nguyên là Phó Giám đốc Viện Pasteur TP.HCM, đã chia sẻ: “Nếu còn sống, không chắc ba tôi sẽ viết hồi ký. Ông sống kín đáo. Và nếu viết, ông sẽ chỉ viết hoàn toàn sự thật, những sự thật trần trụi”.
Bà bị thôi thúc tìm kiếm trong ký ức những manh mối về cuộc đời của ba mình, mà cũng chính là một giai đoạn quan trọng của lịch sử Việt Nam. Mất chục năm ròng rã vừa đi làm vừa tranh thủ tìm kiếm tư liệu, gặp gỡ những người đã từng tham gia chiến đấu với ba mình, bà mới hoàn thành xong cuốn sách này và ra mắt độc giả sau 37 năm ngày mất của ông. Nhiều người đã giúp đỡ bà hoàn thành cuốn sách cũng đã ra đi mà không kịp được nhìn thấy nó.
Điều mà bà nhận thấy sau khi hoàn thành cuốn sách này là: “Từ nhỏ, tôi thường tự hào ba mình luôn chiến thắng trong mọi trận đánh. Giờ thì tôi đã biết một chiến thắng là đúc kết từ kinh nghiệm của biết bao nhiêu thất bại.”
Nhưng điều làm nên một vị tướng Cao Văn Khánh tài ba không phải là “chiến thắng bằng mọi giá”, mà trong sổ ghi chép của ông, những quyết định chiến thuật luôn phải “làm sao chiến thắng với thương vong ít nhất, và đó là một trách nhiệm rất lớn”.
Sách dày 800 trang sách khổ lớn, gồm 40 chương với một khối lượng tư liệu khá lớn, là tài liệu tham khảo rất bổ ích cho những ai quan tâm đến lịch sử Việt Nam từ năm 1945 -1975, không những về cuộc chiến mà còn về lý tưởng sống của những người chân chính phần lớn là vô danh đã cống hiến cả cuộc đời họ.
Nhận xét về tướng Tướng Cao Văn Khánh
“Anh Cao Văn Khánh là một trí thức yêu nước, tham gia Cách mạng tháng Tám từ 1945. Anh là một cán bộ quân đội chỉ huy Đại đoàn 308, đánh những trận lớn trong kháng chiến chống Pháp, từng là Tư lệnh B70 (Trị-Thiên) trong kháng chiến chống Mỹ, một người hăng hái trung thực, có nhiều kinh nghiệm hợp đồng binh chủng, được bộ đội tin yêu”. - Đại tướng Võ Nguyên Giáp
“Đó là vị tướng mà tôi chưa bao giờ thấy đeo một tấm huân chương, và ông cũng từ chối mọi yêu cầu phỏng vấn.” – Nhà văn Phạm Phú Bằng chia sẻ
“Anh Khánh đánh Pháp, Mỹ đều giỏi. Quân đội ta có đến hàng trăm tướng, nhưng tướng Khánh nổi bật về hai điểm: Thứ nhất, anh là vị tướng luôn có mặt ở tuyến đầu, trong gần ba mươi năm, chỉ huy những trận đánh ác liệt nhất và mang lại những thắng lợi chiến lược. Thứ hai, anh là tướng tầm tham mưu chiến lược” - Nhà văn hóa Hữu Ngọc, người bạn thời dạy học ở Huế cùng với Cao Văn Khánh
“Tôi và các cựu chiến binh Đại đoàn 308 thương tiếc nhớ anh Cao Văn Khánh, người chỉ huy đã ...dìu dắt chúng tôi trưởng thành qua khói lửa của cuộc Kháng chiến chống thực dân Pháp. Anh là con người mẫu mực để xây dựng quân đội tiến lên chính quy, hiện đại, một vị tướng trận mạc, một con người tài năng và tâm huyết, hấp dẫn bởi tri thức và tấm lòng. Một vị tướng trí dũng song toàn, từ một trí thức yêu nước trở thành một vị tướng giỏi của quân đội ta. Anh lấy chiến trường, lấy thực tiễn làm trường học, luôn luôn tổng kết, luôn luôn tìm tòi, luôn luôn phát hiện. Bao trùm trên hết là tư cách người làm tướng như Bác Hồ đã dạy: Trí, Dũng, Nhân, Tín, Liêm, Trung. Bao trùm lên trên hết là phẩm chất vì nước, vì dân, dĩ công vi thượng” - Trung tướng Hồng Cư, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị
Mục lục sách Tướng Cao Văn Khánh - Hồi Ức Lịch Sử (Bìa Cứng)
Lời nhà xuất bản
Lời tựa
Phần 1: Trước cách mạng
- Chương 1: Những ngày cuối cùng
- Chương 2: Huế 1945
- Chương 3: Tráng sinh “Cọp Rằn”
- Chương 4: Học chỉ huy
- Chương 5: Thành lập Giải phóng quân Huế
- Chương 6: Tiểu thư đi bộ đội
- Chương 7: Khu trưởng Khu 5
Phần 2: Kháng chiến chống Pháp - Đám cưới trong hầm De Castries
- Chương 8: Chiến dịch Sông Thao
- Chương 9: Đại đoàn Quân Tiên phong
- Chương 10: Chiến dịch Lê Hồng Phong - trận Phố Lu
- Chương 11: Chiến dịch Biên Giới
- Chương 12: Xuống đồng bằng
- Chương 13 Chỉnh huấn - chỉnh quân 1952
- Chương 14: Các chiến dịch: Tây Bắc-Thượng Lào
- Chương 15: Tình yêu
- Chương 16: Điện Biên Phủ
- Chương 17: Thu dọn chiến trường
- Chương 18: Đám cưới trong hầm De Castries
- Chương 19: Xây dựng quân đội chính quy thiện chiến
- Chương 20: Album gia đình
- Chương 21: Học viện quân sự cao cấp
- Chương 22: Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân
- Chương 23 Một cuộc chiến không tuyên bố
- Chương 24: Chiến trường cũ - kẻ thù mới
- Chương 25: Mặt trận B3 Tây Nguyên
- Chương 26: Những phát hiện ở mặt trận
- Chương 27: Thắng Mỹ thế nào?
- Chương 28: Đắk Tô - Trận đối đầu
- Chương 29: Sơ tán
- Chương 30: Tin tức 1967-1968
- Chương 31: Khe Sanh
- Chương 32: Những kỷ niệm nhỏ
- Chương 33: Tư lệnh Binh đoàn B70 - Chiến dịch Đường 9-Nam Lào
- Chương 34: Khoảng lặng trước bão