“Chết của Khôi” lạ từ nhan đề, nó không phải là “cái Chết” ngay tắp lự và nó không phải của một nhân vật nào tên Khôi. Nó đã hiện hình từ trong tiếng oe oe của đứa bé mới sinh hay vo tròn trong giọt nước mắt của bà mẹ già khóc con, nó mời gọi như một quả mọng chứa độc với những thanh niên tràn trề sức sống, nó ám ảnh trong tiếng còi tàu vang dậy, ngân nga, nó mòn mỏi trong mặc cảm của làn khói, nó rười rượi như vạt đất nâu nhìn theo những bó lúa không bao giờ trở lại.
“Chết của Khôi” là một thiên tùy buýt được nhà Tân Việt xuất bản quãng đầu thế kỷ XX, khi đó cũng không rõ tác giả là ai. Hẳn người ấy muốn được là vô-danh. Vô-danh nên xin “Đừng ai trách tôi đưa tay thăm dò sự CHẾT”. Tập sách mỏng manh mà chứa đựng vô vàn rũ rợi, trập-trùng ngạo nghễ bởi con người đã sinh ra thì mặc nhiên có một tội: Phải làm người! Không có một giòng nào ám chỉ cái phi lý của đời sống, thế nhưng gần bên sự rộn ràng oanh liệt của cuộc đời ngắn ngủi chính là cuộc sửa-soạn âm thầm cho bóng tối và gió. Mà bóng tối và gió chẳng phải gợi màu tự do đó sao, dù là tự do chết chóc?
Tám mươi năm qua, chúng ta vẫn chưa rõ KHÔI là ai. Linh hồn người thanh niên ấy có linh thiêng xin chứng giám cho lần trở về này.
Tác phẩm mở đầu bằng “Chết” và kết thúc bằng “Ngưỡng mộ” sau khi đã đi qua những cung bậc nhiệm màu của đời sống, những ẩn dụ tuyệt vời của sống và chết trong hình hài của ngọn nến, của làn khói, của đôi chuồn chuồn vướng sợi tơ chuối, của lúa vàng, của trăng sao… đó là một hành trình lao nhanh vào đêm tối của chuyến tàu khuya lắc lơ mà, thanh âm còn vang động mãi.
Như tác giả bộc bạch ở “Tựa”, thì bạn ơi, hãy gác cái khổ đau mà tạo hóa ban cho để thành thực, để đón nhận thiên tùy bút này như một chiếc chong chóng đang quay.