Sự thừa nhận về tính liên tầng định kiến (intersectionality) đã khiến các tác giả và nhà nghiên cứu phải chú ý nhiều hơn đến việc trải nghiệm bạo lực giới khác nhau theo sắc tộc, giai cấp, tính dục và căn cước giới, chẳng hạn. Montoya và Agustin (2013) xem xét các viễn tượng liên tầng đã và nên được kết hợp như thế nào thành phản ứng chính sách đối với bạo lực giới. Họ lập luận rằng, bên trong Liên minh Châu Âu, đã có xu hướng khái niệm hóa các hình thức bạo lực giới trong một số cộng đồng thiểu số như một vấn đề của “người ngoài”, phát sinh từ và liên quan đến các nền văn hóa “ngoại lai” không phải bản địa.
Cấu trúc của một số các hình thức bạo lực giới này được cho là có vấn đề. Đầu tiên, nó che giấu mức độ bạo lực trên cơ sở giới bắt nguồn từ bất bình đẳng về cấu trúc, không phải chỉ về giới mà còn về các quan hệ kinh tế và chính trị quốc tế, bao gồm cả mặt lịch sử. Thứ hai, nó đẩy ra ngoài lề các nhóm xã hội vốn đã dễ bị tổn thương, thông qua việc “biến họ thành cái Khác”. Thứ ba, nó nhấn mạnh vào các hình thức cụ thể của hành vi bạo lực giới nhằm làm lệch tâm mức độ nghiêm trọng và phổ biến của hành vi bạo lực trên cơ sở giới tự thân, và vì vậy sẽ duy trì trạng thái bình thường của nó (Montoya và Agustin 2013: 538–9).
Ngược lại, Strid và cộng sự (2013) lập luận rằng việc tập trung đặc biệt vào các loại bạo lực giới cụ thể bên trong các cộng đồng thiểu số (chẳng hạn như cắt bộ phận sinh dục nữ (FGM), giết người vì danh dự, hôn nhân cưỡng bức) không nhất thiết dẫn đến việc nó được “văn hóa hóa” theo cách mà Montoya và Agustin (2013) đề xuất. Strid và cộng sự (2013) lập luận, một trọng tâm như vậy làm cho những hành vi bạo lực này khả kiến và mở cho các biện pháp chính sách. Tuy nhiên, Strid và cộng sự cũng nhận ra rủi ro của cách tiếp cận trên: nó có thể dẫn đến đặc điểm giới của các hành vi bạo lực trở nên bị che mờ đi. Nói cách khác, bạo lực thay vào đó được văn hóa hóa, sắc tộc hoặc chủng tộc hóa thay vì giới hóa.
Đối với Strid và cộng sự (2013), con đường hướng về phía trước là đảm bảo rằng, nhiều bất bình đẳng được công nhận và giải quyết, cả về mặt lý thuyết lẫn trong việc xây dựng và thực hiện các chính sách nhằm cải thiện hoặc xóa bỏ các hình thức bạo lực giới khác nhau.
Trích dẫn
“Nếu xem khoa học là lĩnh vực tư duy bằng khái niệm, thì có lẽ muốn tìm hiểu một ngành khoa học, không gì hay hơn là bắt đầu từ các khái niệm then chốt trong lĩnh vực ấy. Cuốn sách này mong muốn cung cấp cho bạn tấm bản đồ để tư duy về một lĩnh vực còn tương đối mới mẻ ở Việt Nam và cả trên thế giới. Bạn có thể dùng nó như một cẩm nang để tra cứu khi cần thiết, cũng có thể đọc liên tục như một nhập môn, hoặc đọc ngẫu hứng như những mảnh ghép của bức tranh đặc biệt về nghiên cứu giới.” (Trích Lời giới thiệu của người dịch)
“… 50 khái niệm tập trung trong sách này không phải là các lựa chọn ngẫu nhiên và không theo tiêu chuẩn nào, trái lại, chúng đại diện cho một trình bày về nghiên cứu giới, vừa như một chuyên môn học thuật, vừa là viễn tượng rộng hơn trên nhiều lĩnh vực và ranh giới của tri thức. Việc lựa chọn 50 khái niệm then chốt của chúng tôi hoàn toàn không dễ làm, cũng không cố định…” (Trích Dẫn nhập của tác giả)
“Được gói gọn một cách đầy lôi cuốn thành bảng danh mục bỏ túi dành cho người mới bắt đầu, cuốn sách này cũng mang hương vị của một giáo khoa thư dành cho các học giả và sinh viên để định vị quá trình tiến triển của các khái niệm mới trong nghiên cứu giới và trong khoa học xã hội có tính liên ngành.” (Meena Gopal, Trung tâm Nghiên cứu phụ nữ, Đại học Phụ nữ SNDT, Mumbai, Ấn Độ