Đàm phán là một phần thiết yếu trong cuộc sống. Chúng ta đàm phán để đạt được những thứ mà nếu chỉ dựa vào nỗ lực bản thân có lẽ chúng ta không đủ sức lực và nguồn lực - trong khi đó, đối phương có thể đang nắm giữ những thứ đó trong tay.
Thực ra, chúng ta áp dụng mưu kế một cách vô tình hoặc có chủ ý khá thường xuyên trong đàm phán. Mục đích áp dụng nghệ thuật mưu kế là để sử dụng nguồn lực và sức lực ít nhất nhưng lại đạt hiệu quả cao nhất hay để giảm thiểu tối đa các rủi ro hoặc thất thoát hoặc để tránh các tai họa nhằm bảo toàn lực lượng và đảm bảo an toàn cho bản thân hoặc cho bên mình.
Lần đầu tiên trên thế giới, nghệ thuật mưu kế theo khái niệm Tam Thập Lục Kế từ phương Đông được áp dụng trong kỹ thuật đàm phán - mô hình này có tên gọi ngắn gọn là "Đàm Mưu”. Những đồ họa súc tích được đúc rút từ ngành chiến lược học và tâm lý học cùng những mẩu chuyện thú vị từ văn học, tôn giáo, triết học, tâm lý học, lịch sử cũng như từ cuộc sống hàng ngày, từ thế giới động thực vật giúp cho phần lý thuyết thêm phần sinh động.
Tiến sĩ Đinh Toàn Trung với bề dày nghiên cứu và giảng dạy ở các trường đại học tại châu u như: Đại học St. Gallen, Đại học Khoa học Ứng dụng Tây Bắc Thụy Sĩ, trường kinh doanh Solvay Brussels School và với nhiều năm kinh nghiệm làm việc ở các tập đoàn đa quốc gia tại nhiều nước trên thế giới đã kết hợp các tinh hoa mưu kể từ phương Đông với các kiến thức tiên tiền và kinh nghiệm thực tiễn thành mô hình "Đàm Mưu” thú vị và thiết thực cho các tình thế đàm phán.
Giống như một kỳ thủ kiệt xuất, nhà đàm phán điêu luyện cẩn thấu hiểu và áp dụng nhuần nhuyễn các chiến lược, chiến thuật và thủ thuật đàm phán - từ nước bước đầu tiên cho đến khi hạ ván đối thủ. Khi đã đạt trình độ này, nhà đàm phán sẽ rất tự tin để chuẩn bị cho việc đàm phán và bước vào đàm phán với bất cứ đối tác nào hoặc đối thủ nào.