Từ khi được biết đến nhà kinh tế học đô thị Edward Glaeser qua cuốn sách “Chiến thắng của đô thị”, Book Hunter luôn theo sát các hoạt động học thuật của ông với mong muốn có thể chuyển ngữ và giới thiệu các tác phẩm của ông với bạn đọc Việt Nam – những người cũng đang lạc lối trong đời sống đô thị và công cuộc đô thị hóa. Trong quá trình ấy, chúng tôi bắt gặp cuốn sách “Sinh tồn của đô thị – sống và phát triển rực rỡ trong thời kỳ biệt lập”, một tác phẩm hợp tác giữa Edward Glaeser, chuyên gia kinh tế học đô thị và David Cutler, chuyên gia về chính sách Y tế Hoa Kỳ, và chúng tôi đã lập tức quyết định lập tức dịch sang tiếng Việt mà không chút đắn đo, bởi vì cuốn sách chạm đến vấn đề nóng bỏng nhất trong thập kỷ này, và có lẽ sẽ còn để lại dư chấn trong suốt thế kỷ 21: Dịch bệnh Covid-19 và cách hệ thống y tế cộng đồng tại Mỹ đã thất bại như thế nào, các cơ chế tại Mỹ đã khiến vị thế của quốc gia này bị lung lay ra sao, và đặc biệt, những thất bại đó không phải của riêng nước Mỹ, mà ta có thể hiện diện trực quan của nó ngay tại bất cứ đô thị nào trên thế giới, hay nói một cách khác, đó là thất bại mang tính phổ quát khi mà các đô thị quá sợ hãi trước sự lây lan và thờ ơ với người nghèo, đồng thời cho phép sự chính trị hóa và thương mại hóa các phương thức phòng ngừa dịch bệnh.
Đọc từng trang “Sinh tồn của đô thị”, chúng tôi thấy như thể thực tại của những năm tháng dịch bệnh Covid-19 đang hiện lên sống động, với tất cả những nỗi lo lắng, những cảnh ngộ đương đầu với dịch bệnh tại khu cách ly, những toan tính mưu sinh khi mọi thứ đình trệ, những người nghèo bơ vơ không việc làm bị coi là mầm bệnh, những khốn khó thúc đẩy tội phạm cũng như bạo loạn, những tham vọng và cả những sai lầm của một chính sách y tế cộng đồng lầm lạc theo mô hình của Mỹ. Hai tác giả đã khảo sát các chính sách và xu hướng y tế của Mỹ trong lịch sử cũng như một lịch sử bệnh dịch của nhân loại, kết hợp với nhãn quan của các nhà hoạch định chính sách đô thị để lý giải những cơ chế dẫn đến sự lầm lạc ấy.
Qua cuốn sách, ta có thể thấy rằng, dịch bệnh Covid-19 thực sự là một cuộc khải huyền, mà tại đó, các ác ma của mật độ đông đúc tại đô thị (lối nói của hai tác giả) được giải phóng, để hiển lộ tất cả những mặt tối của xã hội vốn được che khuất bằng sự hào nhoáng của nền kinh tế phát triển. Và trong cuộc khải huyền này, một thái cực là khủng hoảng và bạo loạn, phía bên kia là hé lộ cho một tương lai mới nơi đời sống của con người tại các đô thị được chăm lo hơn, yếu tố sức khỏe được đề cao tạo nền móng cho kinh tế bền vững hơn, và người nghèo không còn bị bỏ rơi bởi cuộc đua tăng trưởng của các chính trị gia.