Trên một mặt phẳng ngoại vi, sau mọi va đập hỗn loạn, thơ Thành Dũng phơi trải nhiều tâm thức được mã hóa theo một không gian riêng biệt, và không là duy nhất. Trong tâm thế của thì tương lai, khởi sinh hiện tại là những tro tàn và quá khứ là những đám mây ngôn ngữ lựa hư không đồn trú, tác giả dường như luôn đặt hồn thơ trong trạng thái thôi thúc sự sáng tạo, tự hủy diệt và tái sinh giao thoa và không thể tách rời.
***
Về lại miệt Hậu Giang
nhìn dòng kinh Xáng Xà No ăm ắp phù sa
chạng vạng chở nỗi đời, nỗi người đi qua năm tháng
sâu thẳm trong đáy mắt chiều tà
còn vằng tiếng phảng phạt chướng của người đi mở đất
ký ức đồng bằng lấp lánh hạt phù sa?
Ở xứ “ăn đằng sóng nói đằng gió”?
giọng anh không thể ngọt ngào như kép hát cải lương
em cũng chớ buồn phiền vì sao anh hay cộc
anh chỉ có tấm lòng như dòng sông Ông Đốc
cứ rạt rào vỗ mãi với ngàn lau
suốt đời này anh có dễ bỏ em đâu?
Tuổi thơ nào neo dưới bến tàu Kinh Ba?
thị trấn biển, xanh trong mắt nhớ
em quên rồi sao, trên căn gác nhỏ
gió bạt lòng thao thiết những ngày mưa
để chiều nay anh về lại Kinh Ba
có phải gió ngày xưa, sao biệt ngày biệt tháng?