Theo nhịp thời gian, Trần Bảo Định nhận ra mối tương liên thế hệ sĩ phu - trí thức Việt Nam đầu thế kỷ XX và sự tiếp nối giữa Duy Tân và Minh Tân; giữa các thế hệ chí sĩ yêu nước từ Trần Chánh Chiếu, Nguyễn Háo Văn đến Nguyễn Háo Vĩnh - người đại diện cho thành tựu của phong trào Minh Tân, kết quả của việc gắn kết giáo dục - doanh thương - minh tân đất nước. Theo đó tác giả làm rõ quá trình chuyển hướng từ "Đông du" sang "Tây du" trong quan niệm yêu nước và hoạt động đấu tranh chống thực dân Pháp.
Tác giả Trần Bảo Định bố cục tập sách "Dấu thời gian - Khát vọng của người xưa" từ Lương Văn Can, Trần Chánh Chiếu tới Nguyễn Háo Vĩnh, Hồ Hữu Tường, Trần Văn Hùm, Tạ Thu Thâu và sau cùng là Nguyễn An Ninh. Việc này giúp cho bạn đọc thuận tiện tiếp nhận sự dịch chuyển quan niệm yêu nước và tư tưởng canh tân đầu thế kỷ XX. Mở đầu với Lương Văn Can (đại diện tầng lớp sĩ phu) rồi kết thúc với Nguyễn An Ninh (đại diện tầng lớp trí thức Tây học). Có lẽ tác giả những mong độc giả nhận ra Nguyễn An Ninh cũng như nhiều trí thức Nam Kỳ, đã góp phần làm dịch chuyển hệ hình tư duy yêu nước, bước tiến cần thiết cho sự hình thành và phát triển phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp nửa đầu thế kỷ XX. Nguyễn An Ninh, Phan Văn Hùm, Tạ Thu Thâu, Hồ Hữu Tường... cần được ghi nhận như những nhà trí thức tiên phong của nước Việt - biểu tượng tinh thần chống ngoại xâm, nỗ lực giải phóng dân tộc và phát triển đất nước.
Không chỉ thừa kế tài sản, người đương thời cần ngẫm nghĩ để kế thừa di sản khát vọng của người xưa! Gắng gìn giữ hồn thiêng sông núi!